Xử lý thực bì không đốt: Phát triển rừng bền vững

Lâu nay việc xử lý thực bì trong lâm nghiệp chủ yếu áp dụng phương pháp sử dụng lửa để đốt. Phương pháp này tiện lợi, ít mất công sức, thời gian, tuy nhiên lại gây nguy cơ cháy rừng, đồng thời còn phá vỡ cấu trúc đất, ảnh hưởng hệ sinh thái động, thực vật trong đất và gây ô nhiễm môi trường không khí… Để phát triển rừng bền vững và mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống từ rừng cần phải chuyển đổi sang phương pháp xử lý thực bì an toàn hơn.

Diễn tập phòng, chống cháy rừng tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) do lực lượng kiểm lâm tỉnh thực hiện tháng 9/2019. Ảnh: Tuấn Hương (CTV)

Diễn tập phòng, chống cháy rừng tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) do lực lượng kiểm lâm tỉnh thực hiện tháng 9/2019. Ảnh: Tuấn Hương (CTV)

Xử lý thực bì được hiểu là hoạt động phát quang, thu dọn các loại cỏ, cây, dây leo, chặt gọn cành không cần thiết ở trên rừng. Trong ngành Lâm nghiệp, rất nhiều các trường hợp cần phải xử lý thực bì, đơn cử như xử lý thực bì để chuẩn bị mặt bằng trồng rừng, để làm đường băng cản lửa, vệ sinh rừng, vệ sinh ven đường bộ nơi có rừng hoặc xử lý thực bì để diễn tập phòng, chống cháy rừng…

Quảng Ninh có gần 423.000ha rừng, tất cả đều cần triển khai khâu xử lý thực bì hằng năm hoặc theo chu kỳ, cho thấy việc đốt cháy để xử lý thực bì là rất lớn. Chỉ tính riêng đối với hoạt động đốt để xử lý thực bì nhằm trồng rừng hằng năm đã là hơn 10.000ha.

Hiện nay, việc xử lý thực bì bằng phương pháp đốt mặc dù có quy trình cụ thể, biện pháp kiểm soát bằng các đường băng cản lửa, quá trình đốt, người dân có thông báo, phối hợp với lực lượng chức năng… Tuy nhiên, biện pháp này vốn không an toàn nên vẫn xảy ra những sự cố và tác động xấu, nhất là trong điều kiện thời tiết khô nóng bất lợi; các đường băng cản lửa không đạt chuẩn dẫn đến không cản được lửa, làm cháy lan hoặc mất tác dụng đối với những đám cháy nhảy cóc phát sinh từ tàn tro của đám đốt xử lý thực bì.

Diễn tập dập lửa cháy rừng tại phường Vàng Danh (TP Uông Bí) năm 2018, lấy tình huống giả định là cháy do người dân đốt thực bì.

Chính bởi vậy, đốt thực bì là nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ cháy lan hoặc cháy nhảy cóc trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Bên cạnh đó, sự sinh trưởng, phát triển của cây rừng ngày càng kém cũng do quá trình đốt thực bì đã làm đất đai bị nung nóng, trơ trụi, hệ sinh thái động, thực vật có lợi trong đất bị tiêu diệt, giảm khả năng thấm nước, giữ nước và tơi xốp đất, mất lớp đất mặt, lớp mùn khi gặp mưa… Trên hết, tác hại lớn do đốt thực bì gây ra chính là tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí...

Từ thực trạng này, giải pháp đưa ra là áp dụng phương pháp xử lý thực bì không đốt, tức phát dọn thực bì toàn diện, theo băng hoặc theo đám phù hợp với điều kiện lập địa, đặc tính sinh thái của loài cây trồng; thu gom thực bì bằng phương pháp thủ công và di chuyển đến nơi an toàn. Theo đại diện Phòng Sử dụng và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cái khó của biện pháp xử lý thực bì không đốt là mất nhiều công sức, thời gian, tăng chi phí nhân công hơn nhiều lần so với đốt thực bì, chính bởi vậy người dân không triển khai.

Được biết hiện nay, để tránh những tác hại do đốt thực bì gây ra, Sở NN&PTNT đã xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ người dân xử lý thực bì, trước tiên là đối với diện để trồng rừng hằng năm, ước khoảng 10.000ha. Cụ thể, có cơ chế hỗ trợ người dân mức 50% chi phí xử lý thực bì không đốt (không quá 2 triệu đồng/ha) trong vòng 6 năm kể từ khi trồng mới rừng đến khi khai thác. Chủ rừng sẽ được hỗ trợ một lần sau khi đã được đơn vị chức năng nghiệm thu về thiết kế, diện tích trồng rừng, dự toán xử lý thực bì. Tổng chi phí hỗ trợ xử lý thực bì đối với diện tích trồng rừng mới mỗi năm trên toàn tỉnh ước khoảng 20 tỷ đồng.

LLVT tham gia chữa cháy rừng ở khu đồi Hùng Thắng, khu 1, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long (tháng 10/2019) mà nguyên nhân cháy được xác định do người dân đốt thực bì. Ảnh: Trúc Linh

Xử lý thực bì bằng các biện pháp không đốt đã được các nước tiên tiến trên thế giới triển khai từ lâu và trở thành điều kiện bắt buộc trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Sản lượng gỗ của các cánh rừng trồng chỉ được xuất khẩu và mang lại giá trị lớn khi được chứng nhận xử lý thực bì không đốt. Chính bởi vậy, xử lý thực bì không đốt có thể nói là giải pháp bảo vệ, phát triển rừng phù hợp xu hướng phát triển của thế giới, đáp ứng mục tiêu của tỉnh về phát triển rừng bền vững, nâng cao giá trị rừng, ổn định cuộc sống dựa vào lâm nghiệp và trên hết là mang lại lợi ích về môi trường sống. Việc ban hành một cơ chế, chính sách về hỗ trợ xử lý thực bì không đốt là cần thiết, trước mắt nhằm giảm bớt khó khăn cho chủ rừng khi thực hiện hoạt động này, sau đó là hình thành thói quen, tư duy trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng bền vững, mang lại những lợi ích theo mục tiêu đề ra.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202004/xu-ly-thuc-bi-khong-dot-phat-trien-rung-ben-vung-2478163/