Xử lý thế nào vụ nữ CĐV nhập viện khẩn cấp do trúng pháo sáng trên sân Hàng Đẫy?

Theo luật sư, hành vi của cổ động viên sử dụng pháo sáng bắn vào nhóm cổ động viên khác gây mất trật tự nơi công cộng và xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích.

Lực lượng chức năng đưa nạn nhân (ảnh nhỏ) đi cấp cứu

Lực lượng chức năng đưa nạn nhân (ảnh nhỏ) đi cấp cứu

Ngày 12/9, Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội) cho biết đơn vị này đang điều tra vụ việc nhóm người bắn pháo sáng từ khán đài B sang khán đài A trên sân Hàng Đẫy khiến 1 nữ cổ động viên bị thương, phải nhập viện cấp cứu.

Theo Công an quận Đống Đa, sau khi sự cố xảy ra với nữ cổ động viên, các chiến sĩ CSCĐ thuộc Trung Đoàn CSCĐ (Công an TP Hà Nội) đã phối hợp với lực lượng y tế kịp thời sơ cứu ban đầu cho nạn nhân, đồng thời đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu.

Chỉ huy Công an quận Đống Đa đã khẩn trương chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị liên quan có mặt tại hiện trường, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tiến hành rà soát, thu thập tài liệu, chứng cứ và tổ chức lấy lời khai của các nhân chứng, nhân viên bảo vệ, bị hại, những người liên quan để điều tra làm rõ vụ việc.

Về vụ việc trên, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá vụ việc dưới góc độ pháp lý như sau:

Theo Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP quy định các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng có nội dung như sau: “Điều 5. Các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng

1. Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

2. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

3. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

4. Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.”

Như vậy, theo quy định trên thì pháo sáng không được Nhà nước cho phép sử dụng vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. hành vi CĐV mang pháo sáng và sử dụng trong sân có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm:

“Điều 10. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép.”

Theo thông tin được biết, khi trận đấu giữa CLB Hà Nội và Nam Định đang diễn ra thì bất ngờ một cổ động viên nữ của CLB Hà Nội ở khán đài A sân Hàng Đẫy bị thương vì một quả pháo sáng bắn từ khán đài của cổ động viên Nam Định. Xe cấp cứu đã được huy động để đưa nữ cổ động viên này đi cấp cứu. Sự cố diễn ra vào hiệp 2 khi đó đội chủ nhà Hà Nội đang dẫn trước Nam Định với tỷ số 4-1.

Theo luật sư Thơm, hành vi của cổ động viên sử dụng pháo sáng bắn vào nhóm cổ động viên khác gây mất trật tự nơi công cộng và xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS.

"Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng pháo sáng bắn vào người khác là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe của người khác. Hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Tỷ lệ thương tích của người bị hại sẽ là căn cứ xử lý tương ứng với định khung hình phạt theo Điều 134 BLHS", luật sư Thơm phân tích.

Phương Mai

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/phap-luat/201909/xu-ly-the-nao-vu-nu-cdv-nhap-vien-khan-cap-do-trung-phao-sang-tren-san-hang-day-640041/