Xử lý thế nào với việc xây dựng nhà hàng trái phép trên đèo Mã Pí Lèng?

Chuyên gia pháp lý cho rằng những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng cũng cần xem xét xử lý.

Xây dựng nhà hàng, khách sạn trên đỉnh Mã Pì Lèng - Hà Giang

Nhà hàng Panorama xây dựng trái phép trên đỉnh của một trong "tứ đại đỉnh đèo" Việt Nam - Mã Pì Lèng (Hà Giang) đang là tâm điểm của dư luận nhiều ngày qua khi được ví như chiếc "gai bê tông" phá nát cảnh quan thiên nhiên. Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng nên "hợp thức hóa" công trình sai phạm trong trong khi đó đa số ý kiến cho rằng phải nhanh chóng đập bỏ công trình, trả lại nguyên trạng cho đỉnh Mã Pí Lèng.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, ngoài việc được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia thì khu vực Mã Pí Lèng còn nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, được UNESCO trao danh hiệu vào năm 2016.

"Chính vì vậy, nơi đây phải tuân thủ theo quy định của quốc tế để bảo vệ giá trị cảnh quan của cao nguyên đá mang tính toàn cầu. Nơi đây cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, khai thác giá trị", Luật sư Diệp Năng Bình nói.

Nhà hàng Panorama xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pí Lèng (Ảnh: TL)

Nhà hàng Panorama xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pí Lèng (Ảnh: TL)

Xử lý thế nào với sai phạm xây dựng trên đỉnh Mã Pì Lèng?

Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, qua thông tin trên báo chí chúng ta được biết công trình này của một phụ nữ tên Vũ Ngọc Ánh (ở thành phố Hà Giang) chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, được xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi từ năm 2018 và hoàn thành từ đầu năm 2019.

Dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cũng chưa được cấp phép xây dựng, nó đồng nghĩa với việc đây là công trình xây trái phép. Công trình này sẽ phá vỡ cảnh quan, tổng thể phát triển du lịch và đặc biệt là không tuân thủ quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Từ đó, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, về hình thức xử lý, có thể áp dụng đối với chủ đầu tư của công trình này là xử phạt đến 50.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP về xây dựng với hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng.

Ngoài ra, công trình này còn vi phạm quy định về sử dụng đất và có thể bị áp dụng Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, mức xử phạt cũng lên tới 50.000.000 đồng. Thẩm quyền giải quyết xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng này thuộc về UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xây dựng trái phép như vụ Nhà hàng Panorama (Ảnh: TL)

"Hành vi vi phạm luật đất đai, vi phạm luật xây dựng (xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi) ngoài việc bị xử phạt hành chính còn bị buộc tháo dỡ công trình. Những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng cũng cần xem xét xử lý nghiêm minh. Trong đó, lãnh đạo Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cũng phải chịu trách nhiệm”, luật sư Bình nhận định.

Chuyên gia pháp lý này cũng cho rằng, lâu nay chúng ta quan ngại về hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự nhưng tình trạng không xử lý hình sự những vụ việc có dấu hiệu hình sự chính là bỏ lọt tội phạm, khiến đối tượng mà pháp luật hình sự bảo vệ bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng nêu trên để răn đe, không còn tái diễn những vụ việc tương tự.

Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

“1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.

Như vậy, Bộ Luật Hình sự đã dự liệu những tội phạm xâm hại di tích, danh lam thắng cảnh và quy định tội danh, hình phạt chặt chẽ. Do đó, đã đến lúc phải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng xâm hại để tăng tính răn đe, ngăn ngừa.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/xu-ly-the-nao-voi-viec-xay-dung-nha-hang-trai-phep-tren-deo-ma-pi-leng-d148682.html