Xử lý thế nào với đồ điện tử không còn sử dụng

Khi công nghệ thay đổi từng ngày như hiện nay thì vòng đời của các thiết bị điện tử ngày càng ngắn đi và lượng rác thải 'công nghệ' ngày càng nhiều. Vậy khi đã không còn sử dụng được những thiết bị điện tử này, bạn sẽ làm gì?

Một trong nhiều điểm tiếp nhận rác thải điện tử trên địa bàn TPHCM.

Công nghệ phát triển không ngừng, rác điện tử ngày càng nhiều thêm

Anh Tuấn – ngụ quận 10, TPHCM – là một người đam mê công nghệ. Mỗi khi thấy có một sản phẩm mới ra với tính năng tiên tiến, thiết kế đẹp, anh đều bỏ tiền ra mua, nhất là điện thoại và laptop.

Cũng vì thói quen đó nên trong vòng chục năm đổ lại đây, anh Tuấn tiêu rất nhiều tiền vào việc mua sắm những thiết bị này. Trong kho đồ cũ của anh hiện nay vẫn còn nhiều máy tính được sản xuất từ khá lâu. Còn về điện thoại thì anh có hàng chục cái, từ cổ lỗ sỉ đến hiện đại nhất.

“Có cái laptop mình dùng được chừng 2 năm thì thấy có một dòng mới ra với thiết kế đẹp hơn, cấu hình mạnh hơn, vậy là mình mua cái mới. Cũng tương tự như vậy với điện thoại, mỗi năm mình sắm chừng 2-3 cái của các hãng nổi tiếng. Do sở thích khám phá công nghệ nên mình sắm.

Mà đã sắm cái mới rồi, mang cái cũ đi bán thì cũng chẳng được bao nhiêu lại không thể dùng nhiều cái cùng lúc nên mình lại cho vào kho, dần dần chúng bị hư và biến thành rác thải” – anh Tuấn thổ lộ.

Cũng tương tự như anh Tuấn, anh Sơn – ngụ Bình Thạnh cũng mê máy tính, tivi và đồ điện tử gia dụng. Thời điểm cách đây 10 năm, khi những chiếc tivi màn hình LCD ra đời, anh nói rằng mình là người đầu tiên trong xóm mua chiếc 32 inches về.

Tuy nhiên, ngay sau đó là hàng loạt các mẫu tivi tiên tiến hơn được ra đời. Thế là cái tivi trong mơ của anh dần trở nên lạc hậu. Anh lại mua cái mới và tìm cách xử lý cái cũ bằng cách bán đi nhưng không ai mua. Nằm trong kho, cái tivi “làm bạn” cùng với chiếc lò vi sóng cũ bị hư bộ nguồn và dần bị biến thành mớ rác thải điện tử khó xử lý.

Xử lý rác thải bằng cách gì?

Theo thông tin từ Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM, hiện nay số rác thải điện tử trên địa bàn thành phố là rất lớn. Khi người dân muốn xử lý những thiết bị cũ đều nghĩ đến cách bán ve chai với giá rẻ mạt.

Khi được đưa về các cơ sở, những thiết bị này được xử lý nhưng với công nghệ lạc hậu. Người mua thường tháo thiết bị ra để tận dụng những kim loại quý như đồng, vàng, bạc…và các vật liệu như thép, nhựa, ít có cơ sở nào có thể xử lý triệt để những hóa chất độc hại có trong loại rác này nên gây ra ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc vận động người dân mang thiết bị điện tử cũ đến các địa điểm thu hồi như UBND phường 2, quận Bình Thạnh; MM Mega Market An Phú; UBND phường 9, quận 3; UBND phường 15, quận 4 và UBND phường 17, quận Phú Nhuận thì còn có tổ chức đứng ra thu gom, xử lý, tái chế loại rác thải này.

Theo đó, Việt Nam Tái Chế là chương trình được điều hành bởi Nền tảng Tái chế Việt Nam (VRP) gồm các nhà sản xuất thiết bị điện - điện tử được thành lập với mục tiêu giảm thiểu rác thải điện tử, tăng cường tái chế và kiểm soát tác động đến môi trường, sức khỏe và an toàn cho sản phẩm vào cuối vòng đời sử dụng.

Chương trình này sẽ cung cấp những nơi cụ thể để người dân có thể bỏ lại thiết bị cũ, hư hỏng, không sử dụng hoặc nếu được yêu cầu sẽ đến tận nơi để thu gom. Rác thải điện tử sẽ được đưa đến nhà máy tái chế chuyên nghiệp.

Đại diện chương trình cho hay, sau 4 năm hoạt động, VRP đã thu hồi, xử lý hàng chục tấn rác thải điện tử. Riêng trong năm 2018, trên địa bàn TPHCM, VRP cũng đã thu hồi được hơn 10 tấn.

Trường Sơn

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/doi-song/xu-ly-the-nao-voi-do-dien-tu-khong-con-su-dung-653059.ldo