Xử lý thế nào đối với vụ 'nữ sinh viên tố giảng viên khoa Luật gạ tình'?

Những ngày qua, những thông tin về một nam giảng viên của khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội bị các sinh viên/cựu sinh viên tố đã có những hành vi, lời nói mang tính chất 'quấy rối' và 'đe dọa' được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội. Về vấn đề này Báo CAND đã trao đổi với luật sư...

Theo luật sư Nguyễn Đào Tơ (Trưởng VPLS Hoàng Huy), để đi kết luận sự của việc này, cần phải có một cuộc thanh tra, kiểm tra, đối thoại và báo cáo chính xác từ phía đại diện của khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trước hết, cần hiểu "quấy rối" là gì? Bộ Quy tắc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng quấy rối tình dục có thể bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm. Ngoài ra, quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục (khái niệm này chỉ mang tính chất tham khảo).

Nếu những thông tin tố cáo là đúng sự thật thì hành vi của vị giảng viên N.H.C. đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, vi phạm Quy chế đào tạo đại học do Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 5115/QĐ-ĐHQGHN ngày 25-12-2014 và vi phạm nghiêm trọng Quy định về đạo đức nhà giáo theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16-4-2008.

Một số đoạn tin nhắn được cho là giữa giảng viên C. và các nữ sinh được chia sẻ trên trang SOL - VNU Confessions (ảnh chụp màn hình).

Đặc biệt, hành vi lợi dụng quan hệ giảng viên – sinh viên để trù dập những sinh viên từ chối lời đề nghị gặp riêng, cưỡng ép sinh viên quan hệ tình dục là vi phạm Điều 70 và Điều 72 Luật Giáo dục năm 2005 sửa đổi năm 2009 về nhà giáo và nhiệm vụ của nhà giáo:

Điều 70. Nhà giáo

1. Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.

2. Nhà giáo phải có những tiêu chuẩn sau đây:

a) Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt;

b) Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ;

c) Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp;

d) Lý lịch bản thân rõ ràng.

Điều 72. Nhiệm vụ của nhà giáo

Nhà giáo có những nhiệm vụ sau đây:

1. Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục;

2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường;

3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học;

4. Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học;

5. Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời vi phạm Điều 54 và Điều 58Luật Giáo dục đại học năm 2012 về giảng viên, nhiệm vụ của giảng viên và các hành vi giảng viên không được làm:

Điều 54. Giảng viên

1. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật giáo dục.

Điều 58. Các hành vi giảng viên không được làm

1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác.

2. Gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

3. Lợi dụng danh hiệu nhà giáo và hoạt động giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục:

"2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học .

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này"

Ngược lại, nếu trong trường hợp việc tố cáo là sai thì cần xem xét trách nhiệm của người tố cáo. Việc tố cáo là không đúng sự thật có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Việt Cường

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giai-dap-phap-luat/xu-ly-the-nao-doi-voi-vu-nu-sinh-vien-to-giang-vien-khoa-luat-ga-tinh-507027/