Xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc: Chưa có hồi kết

Nhiều ý kiến còn băn khoăn liên quan tới việc xử lý tài sản thu nhập không giải trình được hợp lý nguồn gốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận góp ý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh Q.H

Đề xuất thu thuế 45% với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc

Ngày 13.7, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Trong đó, Điều 59 trong dự luật về xử lý tài sản thu nhập không giải trình được hợp lý nguồn gốc thu hút được khá nhiều sự quan tâm, thảo luận và ý kiến khác nhau từ các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết đây là vấn đề thu hút được khá nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc ưu nhược điểm của từng phương án và tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội đều thống nhất chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân đối với loại tài sản, thu nhập này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh Q.H

Về mức thuế suất, Chủ nhiệm UBTP cho biết hiện vẫn còn ý kiến khác nhau. Một số ý kiến UBTP cơ bản thống nhất với Cơ quan trình dự án về mức thuế suất 45% như dự thảo luật với những lý do như giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về căn cứ xác định mức thuế suất 45%.

Còn nhiều ý kiến băn khoăn

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, tài sản tham nhũng bị thu hồi 100% là không bàn cãi. Tuy nhiên, nếu cho rằng, đó là tài sản bất hợp pháp, phải chứng minh và chứng minh mối quan hệ giữa hành vi đó và tài sản tham nhũng có mối quan hệ hay không? Nếu không chứng minh thì không đặt vấn đề tham nhũng. Trách nhiệm của nhà nước, cả thế giới làm như thế, không riêng Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh Q.H

Còn Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn cho rằng, các phương án đặt ra khó thực hiện.

“Bởi lẽ, tài sản, thu nhập đánh thuế thì phải khẳng định đây là tài sản, thu nhập hợp pháp. Còn ở đây là tài sản không chứng minh được thì tài sản đó có thể là hợp pháp, cũng có thể là không. Nếu thu thuế xong chứng minh được đó là tài sản do phạm tội mà có thì lại chuyển sang xử lý hình sự, như vậy một hành vi lại bị xử lý 2 lần.

Như vậy, nếu đặt ra việc không chứng minh được về nguồn gốc mà chuyển sang thu thuế ngay thì không có cơ sở. Tương tự, cũng không có cơ sở nào tự nhiên thu thuế 45% với loại tài sản này” – ông Phàn nói.

Trong khi đó, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ lại thống nhất với phương án mà cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trình là thu thuế. Tương tự, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong tất cả các phương án thì thu thuế là phương án mạnh nhất và cũng là khả thi nhất.

Dự phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu và qua 2 kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc quy định như trong dự thảo chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn; việc đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cũng chưa có cơ sở thuyết phục.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp. Ảnh Q.H

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cần phải lắng nghe, phân tích ý kiến của các đại biểu, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế liên quan tới vấn đề này. Đồng thời, cần phải có thảo luận với các cơ quan trong Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng (PCTN), cơ quan giúp việc liên quan để trao đổi lại. Từ đó có tổng hợp ý kiến để báo cáo, làm căn cứ tiếp thu, giải trình. Phải thực sự thuyết phục, có lý lẽ.

VƯƠNG TRẦN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/xu-ly-tai-san-khong-giai-trinh-duoc-nguon-goc-chua-co-hoi-ket-618441.ldo