Xử lý tài sản cầm cố

'Tôi vay tiền của một cửa hàng cầm đồ, có cầm cố chiếc laptop để bảo đảm. Vì chưa có tiền nên tôi bị quá hạn trả nợ. Chủ cửa hàng cầm đồ gọi điện thông báo tôi vi phạm cam kết, do đó, họ sẽ lấy luôn laptop của tôi để trừ nợ. Xin hỏi, họ có quyền làm như vậy hay không?' - Nguyễn Văn Bình, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Trả lời

Theo quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, “cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Do đó, khi đến hạn trả nợ tiền vay, bạn không thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ này, tài sản bảo đảm sẽ được xử lý theo một trong những phương thức được quy định tại Điều 303 Bộ luật này. Cụ thể:
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây: Bán đấu giá tài sản; Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Có nghĩa là, khi vay và cầm cố chiếc laptop hai bên có thỏa thuận về việc nếu bạn không trả được nợ đúng hạn, đầy đủ, chủ cửa hàng được quyền “nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm”, tức là họ nhận chiếc laptop trừ vào số tiền đã cho bạn vay thì họ mới được làm như họ thông báo cho bạn. Nếu không, phải tiến hành bán đấu giá chiếc laptop để thu nợ. Số tiền bán đấu giá nhiều hơn khoản tiền vay, tiền lãi thì bạn được nhận lại phần thừa. Ngược lại, bạn phải trả bổ sung cho họ.
Điều 304 của Bộ luật này quy định về bán tài sản cầm cố, thế chấp như sau:
1. Việc bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
2. Việc tự bán tài sản cầm cố, thế chấp của bên nhận bảo đảm được thực hiện theo quy định về bán tài sản trong Bộ luật này và quy định sau đây: Việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 307 của Bộ luật này; Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản.
Mặc dù trước đó hai bên không thỏa thuận, nhưng bạn đồng ý với đề nghị của chủ cửa hàng cầm đồ sử dụng phương thức bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm trong việc xử lý tài sản trên thì thỏa thuận này là hợp lệ.
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Luật sư Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty Luật Hồng Quang, Hà Nội

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xu-ly-tai-san-cam-co-324918.html