Xử lý sai sót trong SGK lớp 1 cần khách quan, công bằng

Đó là nhận định của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy.

Việc áp dụng xã hội hóa sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết 88 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) năm học 2020-2021 là một bước tiến mới, quan trọng để các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK cho phù hợp.

Lớp 1 năm nay có 5 bộ SGK được phê duyệt sử dụng trong nhà trường. Bốn bộ do Nhà xuất bản giáo dục tổ chức biên soạn và bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM biên soạn.

Có rất nhiều ý kiến tranh cãi, phản biện về chương trình và SGK Tiếng Việt lớp 1 ở cả 5 bộ sách, đặc biệt là bộ sách Cánh Diều sau khi đưa vào thực hiện trong các trường học. Bộ GD&ĐT đã có báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này nhưng nhiều ĐBQH vẫn trăn trở, lo lắng về tương lai của chủ trương xã hội hóa SGK.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã gửi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Theo đó, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ quan điểm về việc bên cạnh yêu cầu SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều chỉnh sửa, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu rà soát 4 bộ SGK của Nhà xuất bản giáo dục VN, nhưng việc Bộ GD&ĐT có điều chỉnh, sửa chữa những nội dung chưa phù hợp trong 4 Bộ SGK lớp 1 còn lại hay không, cũng cần phải đưa lên công luận.

Vì cả 4 bộ SGK này đều được dư luận, báo chí chỉ ra nhiều lỗi, trong đó có lỗi rất nghiêm trọng về Luật Sở hữu trí tuệ. Để làm rõ hơn, phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về vấn đề này.

* Thưa bà, cụm từ “xã hội hóa biên soạn SGK” cần được hiểu như thế nào cho đơn giản nhất?

- Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm thực hiện chủ trương thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, có nhiều SGK cho mỗi môn học. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về đổi mới chương trình, SGK. Mục tiêu là phát huy các nguồn lực xã hội, xóa bỏ độc quyền trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản, phát hành SGK; tạo cạnh tranh về chất lượng SGK để học sinh có thể được học những bộ SGK tốt nhất.

Theo quy định này, các tổ chức, cá nhân trong xã hội đều có thể tham gia biên soạn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông. Việc xuất bản thì tuân theo Luật Xuất bản. Các tổ chức, cá nhân có thể làm một bộ SGK đầy đủ hoặc một quyển SGK cho một môn học ở cấp học nhất định.

Với chủ trương này, vai trò của SGK đã thay đổi. SGK không còn mang tính “pháp lệnh”, buộc giáo viên phải bám sát từng chữ như trước đây. Giáo viên có thể tham khảo, lựa chọn bài học từ nhiều SGK khác nhau. Đây là việc giáo viên ở miền Nam trước đây vẫn làm.

* Trên thực tế, chủ trương này được thực hiện ra sao và bộ sách nào là bộ sách xã hội hóa, thưa bà?

- Thực hiện Nghị quyết 88, đã có 3 nhà xuất bản là Nhà xuất bản giáo dục VN, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP.HCM và một số Công ty tư nhân như Đại Trường Phát, Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC)... tham gia làm SGK.

Ảnh minh họa.

Với sự tham gia của các đơn vị này, ngay năm đầu tiên đã có 5 bộ SGK cho lớp 1 với 46 đầu sách. Mỗi môn học bắt buộc và lựa chọn đã có một số SGK để cơ sở giáo dục lựa chọn. Trong số các đơn vị tham gia làm SGK, có VEPIC - đơn vị phối hợp với 2 Nhà xuất bản sư phạm làm bộ SGK Cánh Diều, và một số công ty phối hợp với 2 nhà xuất bản này làm SGK Tiếng Anh (môn tự chọn) là những doanh nghiệp sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước làm sách.

Các Nhà xuất bản ĐHSP chủ yếu thực hiện khâu biên tập nội dung. Như vậy những bộ SGK này là SGK xã hội hóa đầu tiên.

* Nếu bộ SGK xã hội hóa không được đầu tư tốt và bị “vùi dập” ngay từ khi mới ra đời thì có phải là điều kiện thuận lợi để quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK không, thưa bà?

- Dư luận vừa qua không thuận lợi cho bộ SGK Cánh Diều. Bộ GD&ĐT cũng chỉ tập trung xử lý các ý kiến về bộ SGK xã hội hóa này, không xử lý 4 bộ sách của Nhà xuất bản giáo dục VN, mặc dù báo chí cũng nêu nhiều ý kiến về 4 bộ SGK của nhà xuất bản này – là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ. Thậm chí, báo chí còn nói rõ là cả 4 bộ SGK này xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, tức là có dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Nếu Bộ GD-ĐT chỉ nói rà soát điều chỉnh chung chung thì khó đảm bảo công bằng đối với các học sinh và giáo viên đang học và dạy 4 bộ SGK còn lại. Tôi chưa rõ vì sao có cách xử lý “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như vậy. Tôi không tin là có ai đó đang muốn quay lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK, trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước và mong muốn của nhân dân về việc xóa bỏ độc quyền.

* Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, theo đại biểu, sắp tới việc thẩm định SGK, thực nghiệm SGK lớp 2, lớp 6 cần chú ý vấn đề gì?

- Các tác giả, đơn vị làm sách và Hội đồng Thẩm định SGK đương nhiên phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Cẩn trọng bao nhiêu cũng không thừa. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp phát huy lợi thế của xã hội hóa là tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng SGK.

Khi có dư luận ồn ào về SGK, cần tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp giải quyết thể hiện sự cầu thị trên cơ sở khoa học. Ví dụ, thành lập Hội đồng khoa học độc lập, gồm những người am hiểu chuyên môn để xem xét vấn đề, tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền.

* Xin cảm ơn bà!

Nhất Chi Mai - Bách An (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/xu-ly-sai-sot-trong-sgk-lop-1-can-khach-quan-cong-bang-556697.html