Xử lý sai phạm tại Thủ Đức: Không có vùng cấm, không ngoại lệ, không loại trừ ai

Sự việc ông Lê Hữu Thành xây dựng không phép nhưng không bị xử lý đã khiến nhiều người dân bức xúc. Dư luận đặt câu hỏi liệu có sự bao che của cấp trên khi ông Thành là Phó chủ tịch thường trực HĐND quận, còn em trai là Chánh thanh tra quận.

Ông Nguyễn Thiện Nhân làm việc với lãnh đạo quận Thủ Đức chiều 22/10

Ông Nguyễn Thiện Nhân làm việc với lãnh đạo quận Thủ Đức chiều 22/10

Theo báo cáo của Quận ủy Thủ Đức ngày 22/10, trong 9 tháng địa bàn có 168 trường hợp xây dựng không phép, tăng 139 trường hợp so với năm 2018. Ngoài ra còn 98 trường hợp xây dựng sai phép, tăng 55 trường hợp so với năm trước.

Trong đó phường Hiệp Bình Chánh là nơi có công trình vi phạm nhiều nhất với 82 trường hợp không phép, 47 trường hợp sai phép.

Tuy nhiên đến nay quận mới xử lý dứt điểm 25 trường hợp (trong số 168 trường hợp) xây dựng không phép. Lý do là “gặp các khó khăn trong việc lập, thẩm định phương án phá dỡ và người vi phạm không hợp tác, khóa cửa”.

Riêng về công trình vi phạm của ông Lê Hữu Thành (Phó chủ tịch thường trực HĐND quận) và người thân tại hẻm 419 đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh). Quận cho biết đây là khu đất rộng 7.155m2 của ông Lê Văn Lớn, vị trí đất thuộc quy hoạch đất ga dự trữ.

Tuy nhiên tại đây đã lần lượt xuất hiện các công trình gồm: Xưởng giấy của ông Lê Hữu Thành (xây dựng năm 2012); Xưởng giấy của ông Lê Ngọc Dương (năm 2015) Xưởng da của bà Lê Thị Tuyết (năm 2016); Công trình của ông Lê Hùng Sơn (năm 2016); Xưởng gỗ của bà Lê Thị Ngọc Phụng (năm 2017); Xưởng cơ khí của ông Lê Ngọc Dương (năm 2017) và công trình của bà Lê Thị Kim Linh (năm 2018).

Các công trình này đều có kết cấu cột sắt, mái tôn, vách tôn. Quận cũng xác định những cá nhân trên là con ông Lê Ngọc Lớn. Hiện ông Lớn vẫn đang đứng tên khu đất, chưa sang nhượng, tách thửa.

Trong số các công trình trên, có 5 đã bị lập biên bản vi phạm hành chính trong đó 3 đã có quyết định nhưng đến nay chưa được thực thi. Còn công trình của ông Thành và bà Tuyết chưa được lập hồ sơ xử lý.

Vào tháng 5/2019, quận cho rằng việc cưỡng chế “chưa đảm bảo theo quy định pháp luật và chưa báo cáo UBND quận” nên Thường trực UBND quận đã đề nghị phường “tạm dừng việc thực hiện cưỡng chế” để báo cáo Thường trực quận ủy.

Nhưng quan điểm của quận là “xử lý nghiêm”. Thường vụ Quận ủy khẳng định sẽ kiên quyết xử lý mọi hành vi sai phạm, thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, “nhất là với cán bộ lãnh đạo”, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không loại trừ ai nếu thông tin phản ánh là đúng.

Về trường hợp của ông Lê Ngọc Quý (em ruột ông Lê Hữu Thành) – Trưởng phòng Tư pháp quận Thủ Đức, nguyên Chánh thanh tra quận, Quận ủy cho biết đã tiến hành “kiểm điểm theo quy trình” và thống nhất “chưa đến mức xử lý kỷ luật". Lý do là dù “thiếu gương mẫu, để gia đình có hành vi vi phạm” nhưng “đã chủ động khắc phục sai phạm, cá nhân đồng chí Quý kiểm điểm nghiêm túc, nhận thức đẩy đủ sai phạm”.

Đối với ông Trần Minh Tú – Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh đã “có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao”, tuy nhiên cũng có khuyết điểm nên bị xử lý “khiển trách” về mặt đảng và chính quyền.

Do vậy quận nhận xét ông Tú “không thể bố trí tái cử” khóa tới nên đã điều về Ban dân vận. Quận cho rằng việc điều động này “không phải là cách chức mà là quyết định bình thường, “không liên quan đến việc trù dập cán bộ”.

Trước đó trong buổi làm việc chiều qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu quận ủy Thủ Đức báo cáo toàn bộ về việc xử lý 7 công trình sai phạm và vi phạm của các đảng viên. Ông cũng chỉ trích quận đã không nghiêm túc trong việc xử lý công trình, để sai phạm kéo dài trong nhiều năm khiến người dân bức xúc.

Phong Vũ

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/xu-ly-sai-pham-tai-thu-duc-khong-co-vung-cam-khong-ngoai-le-khong-loai-tru-ai-post317757.info