Xử lý rủi ro pháp lý cho dự án PPP

Ngày 29-8, Ủy ban Kinh tế có phiên họp toàn thể để thẩm tra hai dự án: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đầu tư sửa đổi.

Trình bày tóm tắt về dự án luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Đức Trung cho biết, dự án luật được khởi động soạn thảo từ tháng 7-2018, đã được Chính phủ cho ý kiến, đang trong quá trình hoàn thiện để trình Ủy ban Kinh tế thẩm tra.

Tranh luận về bảo lãnh của Chính phủ cho dự án PPP

Dự thảo Luật trình Ủy ban Kinh tế lần này đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP so với trước theo hướng không áp dụng hình thức PPP ở những lĩnh vực trước nay chưa có dự án, hoặc có dự án nhưng không hiệu quả, hoặc có thể triển khai theo hình thức đầu tư khác.

Cụ thể, các lĩnh vực đầu tư PPP gồm: giao thông vận tải; nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện; hệ thống cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng khu đô thị, công viên; trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở công vụ; y tế, giáo dục, dạy nghề; hạ tầng công nghệ thông tin. Để bảo đảm tính lâu dài của luật và tạo cơ chế linh hoạt trong điều hành, dự thảo luật quy định cơ chế các bộ ngành, địa phương được đề xuất các lĩnh vực đầu tư PPP khác, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Đáng lưu ý, về quy mô dự án, dự thảo luật quy định: quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực trên do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

Góp ý cho dự thảo luật, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định, xã hội vẫn có nhiều cách nhìn khác nhau về dự án PPP. Thực tế là có những định kiến không đúng, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, xu hướng đầu tư.

Bản chất của dự án PPP có ý nghĩa quyết định đến việc định hình khung chính sách cho PPP - chuyên gia độc lập Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành. Hai đại biểu đều đề nghị coi đây là mô hình “lai”, nên cần có cách đối xử mới, không thể coi dự án đầu tư công cũng như dự án tư thuần túy.

Trong số những vấn đề cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn phản ánh, một trong những băn khoăn lớn của nhà đầu tư là rủi ro pháp lý. “Bên cạnh rủi ro về ngoại tệ, về doanh thu, thì rủi ro do thay đổi chính sách cũng rất lớn. Luật này đã quy định các dự án PPP áp dụng theo luật này nếu như các luật chuyên ngành có quy định khác, nhưng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì luật ban hành sau có thể phủ định luật ban hành trước, vậy nếu luật ra sau luật này (điển hình là Luật Xây dựng) có quy định khác luật này thì áp dụng văn bản nào”?

Quy định về bảo lãnh Chính phủ cho các dự án PPP cũng là một trong những vấn đề được các đại biểu tranh luận khá sôi nổi. Trong khi chuyên gia độc lập Nguyễn Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh cơ chế bảo lãnh Chính phủ như điều kiện quan trọng để thu hút vốn đầu tư tư nhân thì các ĐB Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực UB Pháp luật, Nguyễn Vân Chi, Ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách có quan điểm thận trọng hơn.

Ông Xuyền nói: “Cần phải làm rất rõ đối tượng, trường hợp nào được bảo lãnh của Chính phủ, đối chiếu với Luật Quản lý nợ công, xem có sự xung đột pháp luật không. “Động” đến ngân sách Nhà nước thì có thể không những mâu thuẫn với Luật Ngân sách nhà nước, mà cả Hiến pháp”.

Đề xuất rút 12 ngành nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện

Chiều cùng ngày, thẩm tra dự án luật Đầu tư (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng, đại diện cơ quan soạn thảo dự luật cho biết, ban đầu Chính phủ dự định làm luật sửa cả 2 luật: Đầu tư và Doanh nghiệp, nhưng do mức độ sửa đổi quá lớn (sửa 30 điều, bổ sung 4 điều trong số 76 điều của luật Đầu tư; và sửa đổi 60 điều, bổ sung 1 chương và 8 điều, bãi bỏ 2 điều trong tổng số 213 điều của luật Doanh nghiệp), nên Chính phủ đã đề nghị cho phép tách thành 2 luật.

Theo đó, một trong những điểm nổi bật của dự thảo lần này là bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm: hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); nhượng quyền thương mại; kinh doanh logistic; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; sản xuất nón bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy; kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng. Riêng ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được bỏ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, mà bổ sung vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo bổ sung quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Sẽ có 2 danh mục, bao gồm: ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.

Ngoài 2 danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước. Căn cứ vào điều kiện trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ công bố danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài…

Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, dự thảo luật mới sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm được gần 170 tỷ đồng chi phí tuân thủ hàng năm.

ANH THƯ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/xu-ly-rui-ro-phap-ly-cho-du-an-ppp-71723.html