Xử lý pin mặt trời hết hạn: Nhà nước phải cầm chuôi

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm đề nghị chủ đầu tư dự án điện mặt trời phải đặt cọc một khoản tiền trước khi thực hiện dự án.

Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) bày tỏ lo ngại với việc phát triển năng lượng mặt trời tràn lan ở địa phương và chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về việc xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn.

“Bộ trưởng không thể đổ cho địa phương, cũng không thể nói rằng có quy định của luật về việc xử lý hoặc là chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời. Cái nhân dân cần là người đứng đầu ngành công thương phải đưa ra được phương án gì đối với vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời”, nữ đại biểu nói.

Đại biểu đoàn Gia Lai thông tin hiện nay cán bộ và nhân dân địa phương rất hoang mang với những vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời.

“Ngay cả bản thân tôi cũng rất lo lắng với việc phát triển tràn lan năng lượng mặt trời ở Gia Lai. Bởi sau này, pin đó hết hạn sử dụng thì để làm gì? Những tấm pin đó được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng - đặc sản ở Gia Lai chúng tôi hay sao!”, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp nói thêm.

Chia sẻ với những lo ngại của đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho biết, trước tiên cần xác định rõ bộ phận nào ở pin mặt trời gây ô nhiễm.

Theo đó, trong tấm pin mặt trời, chỉ có một số điểm mạch chứa các kim loại nặng, thành phần axit... không tan trong nước, ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm. Những thành phần này chiếm tỷ lệ từ 3-5%, còn các thành phần vật liệu khác cấu tạo nên tấm panel là rác thải, phải chôn lấp hoặc có thể tái chế được.

Thông tư 18/2020 của Bộ Công thương liên quan đến dự án điện mặt trời có quy định bên bán điện phải thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh của các công trình điện mặt trời trong quá trình xây dựng, vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật về môi trường.

Thời gian qua điện mặt trời phát triển nóng gây nhiều lo ngại

Thời gian qua điện mặt trời phát triển nóng gây nhiều lo ngại

Tuy nhiên, theo TS Ngô Đức Lâm, quy định trên chỉ thể hiện niềm tin của Bộ Công thương vào lời hứa của chủ đầu tư dự án điện mặt trời về việc xử lý các thành phần gây ô nhiễm của tấm pin mặt trời sau khi chúng hết hạn sử dụng, còn thực tế là luật quy định nhưng không làm.

Chuyện này cũng tương tự như việc xử lý xỉ than ở các nhà máy điện than. Theo đó, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than phải cam kết chịu trách nhiệm xử lý xỉ than (có thể đem làm gạch, làm đường, xi măng...) nhưng thực tế cho thấy, nhiều nhà máy vận hành nhiều năm xỉ than chất đống không ai xử lý, thậm chí có nơi còn đổ xỉ than xuống biển.

"Rõ ràng quy định đã có nhưng biện pháp cưỡng chế thực hiện thì chưa có. Với điện mặt trời cũng vậy", TS Ngô Đức Lâm chỉ rõ và cho rằng, quy định trong Thông tư 18 chỉ là một cách "thoát trách nhiệm" của cơ quan quản lý, còn ô nhiễm cuối cùng vẫn xảy ra.

"Thử hỏi sau 15-20 năm nữa, khi một dự án điện mặt trời hết hạn, biết tìm nhà đầu tư ở đâu? Hoặc họ đổ cho rằng nhà chế tạo pin mặt trời phải chịu trách nhiệm thì biết tìm ai? ở đâu? Họ có cam kết không? Lúc ấy, thường thì địa phương và người dân phải chịu", vị chuyên gia nói và cho rằng, vấn đề ở đây không chỉ là cam kết mà phải yêu cầu chủ đầu tư dự án đóng trước một khoản tiền nhất định, coi như là khoản đặt cọc, để sau này dùng tiền đó xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn.

"Nhà nước phải nắm đằng chuôi, còn cứ nói luật đã quy định, ai sai luật thì xử lý nhưng khi đó tìm họ ở đâu?", ông nói.

Nhìn nhận hạn chế của điện mặt trời, theo TS Ngô Đức Lâm, không chỉ có vấn đề xử lý các tấm pin mặt trời khi hết hạn thế nào, mà còn ở một số yếu tố khác.

Đó là: điện mặt trời là điện 1 chiều trong khi tất cả thiết bị sử dụng hiện nay là điện xoay chiều. Muốn sử dụng điện mặt trời thì phải có hệ thống chuyển đổi năng lượng, không phải chỉ cần có tấm panel. Thiết bị chuyển đổi này rất tốn kém, đặc biệt nếu chuyển đổi lớn, nhiều hệ thống trên cả nước thì rất phức tạp.

Cho nên, việc chuyển đổi năng lượng này còn chưa ổn định và cũng chưa có kinh nghiệm để giải quyết.

Bên cạnh đó, hệ thống các tấm pin mặt trời có nhiều loại, loại trên nóc nhà, loại trên bãi đất trống ở trang trại, sa mạc, cao nguyên; loại trên mặt nước..., nhưng đó chưa phải là một hệ thống chắc chắn, nhất là khi xảy ra khí hậu cực đoan, như bão gió.

"Một nhà máy nhiệt điện, khí hóa lỏng, thủy điện, có bão cùng lắm chỉ đổ cột điện, còn nhà máy vẫn vận hành an toàn nhiều năm. Nhưng điện mặt trời, ở nước ngoài đã chứng kiến một loạt tấm panel bị gió lốc thổi bay", ông Lâm cho biết.

Từ đây, vị chuyên gia khẳng định, phát triển điện mặt trời là đúng, nhưng phải ở một tỉ lệ hợp lý vì mặt trái còn nhiều, và quan trọng là để đảm bảo an ninh năng lượng.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/xu-ly-pin-mat-troi-het-han-nha-nuoc-phai-cam-chuoi-3422495/