Xử lý ô nhiễm sông Cầu Bây: Thiếu giải pháp căn cơ

Tính đến nay, huyện Gia Lâm đã hoàn thành 8/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ còn một tiêu chí cơ bản đạt là môi trường. Dù vậy, việc hoàn thành tiêu chí này đối với địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây.

Đời sống, sản xuất bị ảnh hưởng

Sông Cầu Bây chảy qua địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm, là trục tiêu thoát nước duy nhất cho khoảng 6.326ha, trong đó có 3.295ha thuộc quận Long Biên và 3.031ha huyện Gia Lâm. Đồng thời, cung cấp nước tưới cho khoảng 400ha đất canh tác nông nghiệp của huyện Gia Lâm.

Những năm qua, quá trình đô thị hóa khiến nguồn nước sông Cầu Bây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hai bên bờ bị lấn chiếm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, cấp nước sản xuất và sức khỏe của người dân. Nhiều người dân ở xóm 1, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm cho biết, vào những ngày trời nắng, nước sông Cầu Bây bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nhà dân cách lòng sông vài chục mét cũng phải đóng kín cửa để tránh bị ảnh hưởng.

Sông Cầu Bây đang bị ô nhiễm. Ảnh: CAND

Điều đáng lo ngại khi nước sông Cầu Bây bị ô nhiễm đang khiến ít nhất 400ha canh tác thuộc các xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư và thị trấn Trâu Quỳ bị ảnh hưởng. Bà Đỗ Thị Cúc ở thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn cho biết, nguồn nước bị ô nhiễm nên người dân địa phương không thể bơm vào ao hồ để nuôi trồng thủy sản. Một số diện tích canh tác thậm chí đang bị bỏ không do nguồn nước bị ô nhiễm…

Xử lý hạn chế

Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện Gia Lâm Phạm Gia Hân cho biết, thời gian qua việc quản lý hoạt động xả thải chưa mang đến hiệu quả. Theo ông Hân, đơn vị chỉ có chức năng thống kê các vị trí xả thải chứ không có quyền xử lý. Việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của chính quyền các xã, thị trấn, Cảnh sát môi trường và Sở TN&MT Hà Nội. Tuy nhiên, công tác xử lý còn rất hạn chế. Số điểm xả thải vi phạm vào sông Cầu Bây trong những năm qua chỉ có tăng, chứ không giảm!

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đối với tiêu chí môi trường, địa phương đang tập trung thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp. Hiện, 5/5 làng nghề đã được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường. Các cụm công nghiệp: Phú Thị, Ninh Hiệp, Hapro, làng nghề Bát Tràng - Kiêu Kỵ đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Công nghệ sinh học đang được áp dụng rộng rãi trong xử lý chất thải chăn nuôi. Tại các xã chăn nuôi tập trung đã được đầu tư hệ thống khí sinh học… Dù vậy, bài toán khiến địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong việc tìm lời giải cho vấn đề môi trường vẫn là ô nhiễm sông Cầu Bây.

Để hỗ trợ huyện Gia Lâm hoàn thành tiêu chí môi trường, phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2018 theo đúng kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần kiến nghị TP chấp thuận chủ trương nạo vét lòng sông Cầu Bây và xử lý môi trường bằng nguồn vốn duy tu, duy trì của TP. Huyện Gia Lâm sẽ chỉnh trang mái hai bên bờ sông bằng nguồn ngân sách địa phương.

Ông Thuần cũng cho biết thêm, cùng với sông Cầu Bây, sông Thiên Đức chảy ra địa bàn huyện cũng đang bị ô nhiễm ngày một nghiêm trọng. Do đó, kiến nghị TP xem xét, bổ sung dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống sông Thiên Đức vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/xu-ly-o-nhiem-song-cau-bay-thieu-giai-phap-can-co-1256800.html