Xử lý nợ xấu: Sẽ có đột phá từ BIDV, Agribank và VietinBank?

Ngân hàng Nhà nước đặt yêu cầu BIDV, Agribank và VietinBank tập trung xử lý cơ bản nợ xấu ngay trong năm nay.

Dự kiến Agribank và BIDV sẽ tất toán xong nợ tại VAMC trong năm nay, riêng VietinBank có thể vào đầu năm tới.

Như BizLIVE đề cập ở một bài viết gần đây, cuối tháng 4 vừa qua Ngân hàng Nhà nước có văn bản đốc thúc tới các ngân hàng thương mại, nêu yêu cầu tiếp tục tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu, với các mức độ cụ thể trong năm 2019.

Nợ xấu ở đây bao gồm nội bảng, nợ đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Theo đó, toàn hệ thống tập trung thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu với vùng nhận diện mở rộng trên về mốc 3%, sau khi đã giảm được tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% cập nhật đến thời điểm này.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán sang VAMC và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu tính đến cuối năm 2018 vẫn ở mức 5,85%, sau khi đã giảm được từ mức 10,08% cuối 2016. Giảm được về mốc 3% nói trên đang là thử thách của hệ thống.

Trao đổi với BizLIVE cuối tuần qua, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, giảm được về dưới mốc 3% - ngưỡng được đánh giá là an toàn và phù hợp với điều kiện của Việt Nam - là một mục tiêu khó thực hiện được ngay trong năm nay.

Tuy nhiên, với lộ trình và yêu cầu quyết liệt thực hiện, mục tiêu trên dự kiến sẽ đạt được trong năm 2020. Và ngay trong năm 2019 Ngân hàng Nhà nước đang trù tính sẽ tạo được đột phá trong xử lý tại những thành viên có con số tuyệt đối lớn.

Cụ thể, từ năm 2017 và tập trung trong 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đặt yêu cầu cụ thể với các thành viên lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thực hiện phân loại nợ chặt chẽ, tiến hành trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và tiến tới tất toán toàn bộ nợ đã bán sang VAMC.

Đến giữa năm 2018, VietinBank là thành viên lớn tiếp theo, sau Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thực hiện tất toán xong nợ tại VAMC. Tuy nhiên, cuối 2018, ngân hàng này buộc phải thực hiện cơ cấu lại tài sản và phát sinh lượng khá lớn tại đây (13.400 tỷ đồng).

“Sau chuẩn bị trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu và bản thân họ cũng đã có sự chuẩn bị, dự kiến BIDV sẽ thực hiện tất toán được hết nợ tại VAMC trong năm nay. Agribank hiện cũng đã cơ bản sẵn sàng để tất toán toàn bộ. Riêng trường hợp VietinBank, do có phần bán sang cuối năm 2018, nhưng tinh thần là cũng sẽ tập trung xử lý tương tự vào đầu năm tới”, vị lãnh đạo chuyên trách trên cho biết.

Theo định hướng và kế hoạch trên, dự kiến đến cuối năm nay hệ thống sẽ có ít nhất hai thành viên lớn tạo đột phá trong xử lý nợ xấu là BIDV và Agribank (trường hợp Agribank đã sớm khẳng định đủ lực để thực hiện), sau đó dự kiến đến lượt VietinBank.

Đây là ba ngân hàng thương mại có số dư con số tuyệt đối nợ xấu lớn đã bán sang VAMC; như vào cuối 2018 VietinBank có 13.400 tỷ, BIDV hơn 14.100 tỷ, Agribank cập nhật đến giữa năm 2018 có hơn 25.000 tỷ đồng…

Với lộ trình và kế hoạch tất toán dự kiến trên, từ nhóm có cấu phần lớn này, đến cuối năm nay và triển vọng đầu 2020, tỷ lệ nợ xấu được nhận diện đầy đủ của toàn hệ thống sẽ hướng đến mục tiêu giảm được xuống 3%.

Với các ngân hàng thương mại cổ phần khác, vị lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định hiện nay đã rõ ràng: những trường hợp nào còn dư nợ tại VAMC thì không được trả cổ tức bằng tiền mặt, phải tập trung tăng vốn và chủ động tạo nguồn để đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Quy định trên được dẫn ra, khi mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa qua, một số ngân hàng thương mại có đề nghị được trả cổ tức trước “sức ép” từ cổ đông, nhưng quan điểm trên của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi.

MINH ĐỨC

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/xu-ly-no-xau-se-co-dot-pha-tu-bidv-agribank-va-vietinbank-3506166.html