Xử lý nợ xấu: Nhiệm vụ còn nặng nề

Phấn đấu từ nay đến năm 2020, hoàn thành cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; riêng năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020, đến năm 2020 phấn đấu đưa nợ xấu xuống dưới 3%.

Khách hàng giao dịch tại VietcomBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh Thanh Hải

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg về xử lý nợ xấu, sáng 28/8.

Xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Tính đến hết 30/6/2018, hệ thống tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Bên cạnh xử lý nợ xấu cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng, hạn chế nợ xấu tiềm ẩn. Ngoài tín dụng bao nhiêu cần quan tâm cơ cấu tín dụng thế nào, nhất là trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, đặc biệt tín dụng tiêu dùng đi vào bất động sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Bên cạnh xử lý nợ xấu cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng, hạn chế nợ xấu tiềm ẩn. Ngoài tín dụng bao nhiêu cần quan tâm cơ cấu tín dụng thế nào, nhất là trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, đặc biệt tín dụng tiêu dùng đi vào bất động sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

“Mặc dù đạt kết quả khích lệ nhưng các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều” - đại diện NHNN nhận định.

Chia sẻ thêm, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, quá trình triển khai đã phát sinh những vướng mắc như thu giữ TSBĐ, chưa có sự phối hợp của chính quyền địa phương, khó thu giữ với những TSBĐ chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế…

Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho rằng, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý TSBĐ chưa nhiều. Với tổng số 3.166 vụ tranh chấp dân sự của Agribank và tòa án đang thụ lý giải quyết chỉ có 2 vụ được áp dụng thủ tục rút gọn là quá ít. Agribank đang lúng túng chưa có cách giải quyết với trường hợp phát tán TSBĐ hơn 500 tỷ đồng bằng hình thức trả chậm 20 năm nhưng phải nộp thuế ngay 40 tỷ đồng làm tăng khả năng tổn thất.

Hoạt động nghiệp vụ tại Agribank chi nhánh Hai Bà Trưng. Ảnh: Thanh Hải

Xử lý tận gốc theo thị trường

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông cho biết, hiện nhu cầu bán nợ của các TCTD vào khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của VAMC mới chỉ là 2.000 tỷ đồng. Với mức vốn này, công ty mới chỉ quay vòng mua được 3.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. Theo Đề án 1058 thì năm 2018 VAMC sẽ được cấp vốn điều lệ tăng lên là 5.000 tỷ đồng và đến năm 2020 là 10.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay chưa có nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu mua bán nợ thực tế của thị trường.
Dự kiến trong năm 2018 và các năm sắp tới, VAMC sẽ giảm dần việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu, đặc biệt chuyển dần sang hình thức mua đứt bán đoạn theo cơ chế thị trường. Ðây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong tương lai cũng như là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài. VAMC đề nghị được kết nối với dữ liệu CIC và AMC của các TCTD. Tháng 9 này tập trung các AMC của các ngân hàng lại để có chia sẻ thông tin giải pháp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nhiệm vụ với ngành ngân hàng còn rất nặng nề, trong đó yêu cầu cao là xử lý nợ xấu thực chất hơn. Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương kịp thời phát hiện các vướng mắc, không được để “mất đà” cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu”. Phó Thủ tướng đồng ý lộ trình tăng vốn cho VAMC, tăng cường năng lực tài chính và quản trị cho VAMC nhất là về nhân sự, có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, trong và ngoài nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chuyển giai đoạn 2 Đề án tái cơ cấu các TCTD yếu kém. Vì vậy, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc cơ cấu lại các TCTD, phối hợp giữa ngành ngân hàng và các cơ quan tư pháp trong xử lý nợ xấu nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong quá trình xử lý TSĐB.

Với các TCTD, cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp. Tiếp tục xử lý sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tăng cường chất lượng và doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng, áp dụng basel II ở các ngân hàng… Thực hiện ngay các giải pháp tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Về tình hình thoái vốn đầu tư và sở hữu chéo, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đã bán 8 DN thu về 1.290 tỷ đồng. Số cặp sở hữu chéo trực tiếp từ 7 xuống 1 cặp. Sở hữu trực tiếp giữa ngân hàng và DN giảm còn 2 ngân hàng với 2 cặp sở hữu, (trong năm 2016 có tới 56 cặp).

Theo NHNN, tình trạng quyền lực tập trung vào một hoặc một số thành viên vẫn còn. Dự thảo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng, NHNN đặt mục tiêu dứt điểm sở hữu chéo, sở hữu cổ phiếu vượt quy định, đẩy mạnh tình trạng thoái vốn mua cổ phần, đầu tư ngoài ngành đối với các lĩnh vực rủi ro.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xu-ly-no-xau-nhiem-vu-con-nang-ne-324031.html