Xử lý nợ xấu là… 'nhốt' nợ xấu

TGTTO Cách xử lý nợ xấu của nước ta nhìn chung hiện nay là tập trung nợ xấu về 'nhốt' ở các tổ chức mua bán nợ xấu rồi chờ xử lý. Như vậy nợ xấu vẫn là… xấu.

Ảnh minh họa

Đó là nhận định của PGS.TS Lê Văn Ái, Học viện Tài chính tại Hội nghị quốc tế “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” diễn ra mới đây ở Hà Nội. Và nguyên nhân của xử lý nợ xấu kém hiệu quả này bắt nguồn từ chính giải pháp đang được coi là phù hợp nhất, hiệu quả nhất hiện nay là mua bán nợ.

Nhận định về thị trường mua bán nợ, các chuyên gia kinh tế cho rằng không những buồn tẻ, đơn điệu trong hoạt động mà còn thiếu hàng loạt điều kiện căn bản của một nơi gọi là thị trường.

Đơn cử về thành phần tham gia, theo Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Tài chính, hiện rất hạn chế với hai tổ chức mua nợ nhưng đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam – DATC và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cùng 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC), trong đó, DATC là mua nợ của các doanh nghiệp. Còn VAMC và các công ty AMC mua nợ của các tổ chức tín dụng. Ngoài những thành phần trên thì thị trường mua bán nợ Việt Nam không có một doanh nghiệp tư nhân, hay nước ngoài nào cũng như các nhà định giá tài sản, môi giới… tham gia theo đúng chuẩn của một thị trường mua bán nợ.

Về người bán nợ, cũng chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp khi chỉ là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước (chỉ bán nợ cho DATC).

Tương tự, hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ, theo Viện Chiến lược và Chính sách cũng rất đơn điệu, buồn tẻ, chủ yếu là trái phiếu và khoản nợ của khách hàng với các tổ chức tín dụng…

Phân tích nguyên nhân sự buồn tẻ này trên thị trường, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo BIDV cho rằng: “Chỉ vì thiếu các nhà môi giới, định giá tài sản chuyên nghiệp, các nhà đầu tư có tổ chức… mà các nhà đầu tư như tư nhân, nước ngoài không muốn tham gia vào thị trường mua bán nợ. Bởi giả sử khi đầu tư vào một khoản nợ mà không được định giá chuẩn xác, không minh bạch về thông tin, tài sản, có tâm lý che giấu nợ xấu… thì chắc chắn, không nhà đầu tư nào tham gia do trước tiên tự thân họ thấy bối rối, không thể phân tích được tương lai với những khó khăn, thuận lợi của khoản nợ…”.

Về hạn chế hàng hóa giao dịch trên thị trường, PGS.TS Lê Văn Ái, Học viện Tài chính cho biết với quy mô và phương thức hoạt động của thị trường mua bán nợ hiện nay, chủ yếu tập trung vào giải quyết nợ xấu của tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp Nhà nước thì không thể nào tạo ra sự phong phú, đa dạng của hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ. Bởi trong lĩnh vực đó còn có nhiều nhu cầu cần xử lý nợ, xử lý tài sản của các doanh nghiệp phá sản… Hiện nay, trên thị trường mua bán nợ, trái phiếu Chính phủ chiếm tới 90% tổng giá trị của thị trường trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp thì phần lớn lại là trái phiếu chưa được niêm yết.

Do đó, thị trường mua bán nợ rất buồn tẻ, không có sự sôi động cần thiết của một nơi mà đáng ra hàng hóa giao dịch, người tham gia… phải như nêm, bình đẳng như nhau…

Nợ xấu bị "nhốt" nhiều ở VAMC

Cùng với hai nguyên nhân cơ bản trên thì theo các chuyên gia kinh tế, một nguyên nhân nữa làm cho thị trường mua bán nợ không đúng với vai trò, tên gọi của nó chính là các văn bản pháp lý chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu. Ngay một cái “khung pháp lý” hoạt động cho thị trường mua bán nợ vẫn chưa ra đời, như PGS.TS Lê Văn Ái viện dẫn: “Với vai trò quan trọng trong thị trường mua bán nợ, thế nhưng Bộ Tài chính đến giờ này vẫn chưa có động thái cơ bản nào cho việc ra đời thị trường này”.

Đồng quan điểm, Viện Chiến lược và Chính sách cho rằng, các quy định về tính minh bạch thông tin mua bán nợ chưa được hoàn thiện, khái niệm tài sản đang tranh chấp cũng chưa được hướng dẫn cụ thể nên dễ dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng là khác nhau… Chính vì tất cả điều kiện thiếu và yếu như vậy mà thị trường mua bán nợ Việt Nam hiện nay chỉ ở mức sơ cấp, chứ chưa chuyên nghiệp, chưa đúng mô hình chuẩn quốc tế.

Theo đánh giá của Viện Chiến lược và Chính sách, hiện nguồn cung cho thị trường mua bán nợ rất dồi dào với tổng dư nợ là 6 triệu tỷ đồng, bằng 125% GDP, trong đó nợ xấu và nợ tiềm ẩn là khoảng 8,1%, tương đương 566 nghìn tỷ đồng.

Nếu với hoạt động thiếu “sinh khí” của thị trường mua bán nợ trên đây thì rõ ràng việc xử lý nợ xấu không hiệu quả, làm ảnh hưởng đến không chỉ tài chính mà cả nên kinh tế vĩ mô nói chung. Và thực tế nợ xấu của ngành ngân hàng năm 2017 là 9,5%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ dưới 3% tổng dư nợ của nợ xấu nội bảng. Hay trong tổng số nợ xấu bán cho VAMC năm 2016, có tới 85% , tương đương 224 nghìn tỷ đồng chưa xử lý được, vẫn bị “nhốt” tại đây.

Vậy để cải thiện tình hình hoạt động của thị trường mua bán nợ cũng như tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, không còn tình trạng nợ xấu vẫn xấu, giải pháp cấp bách hiện nay theo các chuyên gia kinh tế là phải hoàn thiện khung pháp lý với các chính sách cho từng chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ theo hướng khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường nhằm tăng tính cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty mua bán nợ có vốn nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu.

Đồng thời nghiên cứu lựa chọn, mô hình cua công ty mua bán nợ nói chung, nợ xấu nói riêng một cách hợp lý để tạo ra một pháp nhân độc lập, tự hạch toán thu chi và mục tiêu phải là lợi nhuận. Bởi chỉ khi mua bán nợ sinh lời, hoạt động hiệu quả thì mới giải quyết được nợ xấu. Mở rộng phương thức mua bán nợ thông qua chứng khoán hóa các khoản nợ xấu do đây là một quá trình huy động vốn bằng việc sử dụng tài sản làm tài sản bảo đảm cho việc phát hành các loại chứng khoán nợ…

Nếu các giải pháp trên đây được nghiên cứu, thẩm định và cho ra đời một cách đồng bộ, kịp thời thì hy vọng về một thị trường mua bán nợ với hoạt động hiệu quả trước tiên là xử lý nợ xấu, giảm thiểu khó khăn cho ngân sách nhà nước, tài chính kinh tế nói chung sẽ mở ra…

TÚ ANH

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/xu-ly-no-xau-la%E2%80%A6-nhot-no-xau-18245.html