Xử lý nợ thuế không thể thiếu vai trò của chính quyền địa phương

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, luật sư (Ls) Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để việc khoanh nợ, xóa nợ thuế đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, không thể thiếu vai trò của chính quyền địa phương.

Tìm hiểu chính sách thuế tại Chi cục Thuế khu vực Sóc Sơn - Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Minh Nhật

Tìm hiểu chính sách thuế tại Chi cục Thuế khu vực Sóc Sơn - Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Minh Nhật

PV: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 94 của Quốc hội về xử lý nợ thuế. Việc ban hành Thông tư 69 được cho là kịp thời để xử lý vấn đề nợ thuế hiện nay. Theo ông, cơ quan thuế cần làm gì để thực hiện hiệu quả việc khoanh nợ, xóa nợ thuế?

- Ls Nguyễn Đức Nghĩa: Việc ban hành Thông tư 69 về việc xử lý nợ thuế đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ doanh nghiệp đang bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Điều này thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi thực hiện quy định xử lý nợ sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết, cần xác định là không phải tất cả các khoản thu ngân sách đều đượ̣c đưa vào diện xử lý nợ. Cụ thể là không xử lý các khoản nợ chính quyền không thuộc ngân sách nhà nước, các khoản nợ không do cơ quan thuế quản lý thu và các khoản thu liên quan đất đai (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước nộp một lần).

Thứ hai, thời điểm xác định số nợ là trước ngày 1/7/2020, tuy nhiên cần nhận thức rõ về hồ sơ xác định nợ thuế là "Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp, hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30/6/2020 của cơ quan quản lý thuế". Các trường hợp không có thông báo thì hầu hết không thể xử lý nợ.

Ls Nguyễn Đức Nghĩa

Thứ ba, tình trạng doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh rất phổ biến hiện nay. Yêu cầu "Biên bản xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế giữa cơ quan quản lý thuế với UBND xã, phường, thị trấn" sẽ tạo áp lực lớn tới chính quyền, cũng như cơ quan thuế địa phương. Do đó, cần quy định nghĩa vụ của chính quyền khi có yêu cầu của người nộp thuế, giúp cho họ nhanh chóng có đủ hồ sơ theo yêu cầu.

Thứ tư, việc xử lý nợ do phá sản phải có hồ sơ phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 được cho là thiếu hiệu quả, do số lượng doanh nghiệp phá sản rất ít. Do đó, yêu cầu hồ sơ cần đơn giản hơn để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận quy định của thông tư. Nói chung, việc khoanh nợ, xóa nợ là cần thiết, nhưng cần phải thực hiện hết sức cẩn trọng, tránh làm thất thoát ngân sách, tạo sự minh bạch, công bằng khi xử lý nợ.

PV: Theo Thông tư 69, để xóa nợ thuế đối với người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì ngoài vai trò của cơ quan thuế, còn có vai trò của UBND xã, phường… trong việc xác nhận tình hình thiệt hại. Theo ông, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc như thế nào để việc xóa nợ đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định?

- Ls Nguyễn Đức Nghĩa: Trong pháp luật quản lý thuế, vai trò của chính quyền cơ sở là đặc biệt quan trọng. Việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh có vai trò rất lớn của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, tuy nhiên hoạt động của tổ chức này chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn. Điều này xuất phát từ các quy định, trách nhiệm và chế tài đối với tổ chức này chưa chặt chẽ, chưa cụ thể. Bên cạnh đó là nghiệp vụ về thuế của hội đồng tư vấn thuế xã, phường chưa cao. Hơn nữa, đội ngũ công chức, viên chức cơ sở rất mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều việc nên không thể chuyên tâm lo quản lý thuế.

Thông tư 69 quy định trách nhiệm xác nhận tình hình doanh nghiệp bỏ trốn, thiệt hại… đối với UBND dân xã, phường sẽ là áp lực khá lớn, nếu không làm nghiêm túc chặt chẽ sẽ rất dễ xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm, thông đồng, gây thất thoát lớn hơn. Do đó, pháp luật cần xây dựng chi tiết trách nhiệm của từng cá nhân cơ sở, chế tài xử phạt cụ thể và đào tạo nghiệp vụ quản lý thuế cho công chức được giao phó. Việc trao quyền chung chung cho hội đồng tư vấn thuế xã, phường và sự thiếu kiểm tra, kiểm soát thường xuyên có thể gây thiệt hại ngân sách và mất công bằng xã hội, làm giảm tác dụng tích cực của Nghị quyết 94 của Quốc hội.

PV: Dưới góc nhìn của một luật sư, theo ông Thông tư 69 đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể các quy định của Nghị quyết 94 chưa? Nếu đã cụ thể, chi tiết rồi, thì cơ quan thuế cần phải tuyên truyền, hướng dẫn như thế nào để các cục thuế thực hiện thống nhất?

- Ls Nguyễn Đức Nghĩa: Xử lý nợ không phải là vấn đề hoàn toàn mới theo quy định quản lý thuế, nhưng việc triển khai đồng loạt, có căn cứ pháp luật đầy đủ như Nghị quyết 94 và Thông tư 69 là chưa có tiền lệ. Do đó, việc triển khai cần hết sức thận trọng, chi tiết, cụ thể. Với lý do đó, Thông tư 69 quy định một số điều như vậy là cần thiết.

Công tác tuyên truyền để triển khai là hết sức quan trọng, ngành Thuế cần tuyên truyền, hướng dẫn tới cán bộ thuế, chính quyền cơ sở, tới cộng đồng doanh nghiệp hiểu và thực hiện. Tôi cho rằng cơ quan thuế địa phương nên kết hợp với các hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để thực hiện tuyên truyền chính sách thuế, qua đó giúp chính sách thuế lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp được nhanh chóng và hiệu quả hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2020-07-24/xu-ly-no-thue-khong-the-thieu-vai-tro-cua-chinh-quyen-dia-phuong-89937.aspx