Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới

Nợ đọng xây dựng cơ bản hầu như không ảnh hưởng nhiều đến việc mở mới và đầu tư đồng bộ xây dựng nông thôn mới của giai đoạn 2.

Sáng 19/10, tại Nam Định diễn ra hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia cho biết: Chương trình xây dựng NTM đã trải qua 10 năm, nhận được sự ủng hộ của người dân và đạt được những thành tựu to lớn

Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, các Bộ tiêu chí quốc gia đã được điều chỉnh cho phù hợp tình hình mới, trong đó nhấn mạnh tiêu chí thu nhập cho người dân.

Kết quả, đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 (là thời điểm tổng kết giai đoạn 1) và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng (đạt 84,86%), Miền núi phía Bắc (đạt 28,6%) đã hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao; có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; có 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, có 02/7 vùng và 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành và vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao.

Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 04 huyện (Hải Hậu, Nam Định; Nam Đàn, Nghệ An; Đơn Dương, Lâm Đồng và Xuân Lộc, Đồng Nai) được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng NTM, để tổng kết, đánh giá phục vụ xây dựng tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn sau năm 2020.

Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hiện nay đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM.

Nói về những khó khăn khi triển khai chương trình, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường –Phó trưởng ban chỉ đạo cho biết: Khi bắt đầu thực hiện Chương trình, nền kinh tế của đất nước đang gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong cơn khủng hoảng nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động và bố trí nguồn lực thực hiện, nhất là nguồn ngân sách nhà nước và huy động từ doanh nghiệp.

Điều đáng nói là, xuất phát điểm của các xã còn thấp (vào thời điểm năm 2010 khi bắt đầu Chương trình, bình quân cả nước chỉ đạt xấp xỉ 04 tiêu chí/xã) và là Chương trình mới với cách tiếp cận mới, lần đầu tiên triển khai đồng loạt trên phạm vi tất cả gần 9.000 xã, 670 đơn vị cấp huyện và cả 63 tỉnh, thành phố; khối lượng công việc về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị rất lớn, đa dạng, phức tạp,...; trong thực hiện phải vừa làm vừa nghiên cứu rút kinh nghiệm, bổ sung.

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường, tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo trước đây, nhiều vùng trong thời gian qua đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra (bão, lụt, sạt lở ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán kéo dài ở Duyên hải Nam Trung Bộ…), làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xây dựng NTM của các địa phương, nhất là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất;

Tác động bất lợi từ chiến tranh thương mại và bất ổn của thị trường thế giới (các rào cản kỹ thuật và xu hướng bảo hộ) ngày càng phức tạp, bất thường đối với nền kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, lãnh đạo một số địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của Trung ương, chạy theo thành tích nên còn có biểu hiện huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản, hoặc khi đánh giá chất lượng tiêu chí còn xuê xoa. Nhiều địa phương quá chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất, đời sống văn hóa của người dân.

Nhiều văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; một số chính sách mặc dù đã được ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống do thiếu nguồn lực (tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ, phát triển HTX…).

Nông thôn mới ở Nam Định.

Nông thôn mới ở Nam Định.

Một số tỉnh, thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn còn “rập khuôn”, “máy móc” theo các cơ chế, chính sách của Trung ương, chưa sát với tình hình thực tế của địa phương, nhất là trong thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn (nhà văn hóa, thủy lợi, đường giao thông…); đặt mục tiêu phấn đấu cào bằng, chưa phù hợp với khả năng và điều kiện của từng địa phương; chưa phát huy được nội lực và vai trò chủ thể của người dân…

Đến nay, với trên 100 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, tỷ lệ người dân trên địa bàn bày tỏ hài lòng về kết quả xây dựng NTM bình quân đạt từ 94-98%.

Nợ đọng xây dựng cơ bản chiếm tỷ lệ nhỏ

Một trong những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 1 (2011-2015) là tình trạng nhiều địa phương đề phát sinh nợ đọng trong xây dựng NTM, gây bức xúc trong xã hội.

Bước sang giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, các địa phương đã chủ động rà soát, xác định cụ thể số nợ xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình, đồng thời có các giải pháp quyết liệt như tập trung nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, chỉ công nhận các xã, huyện đạt chuẩn NTM khi không có nợ đọng xây dựng cơ bản… Đồng thời với việc nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương và địa phương trong giai đoạn 2 tăng mạnh (gấp 2,23 lần) nên cũng tạo điều kiện cho các địa phương xử lý nợ đọng giai đoạn 1 cũng như hạn chế tình trạng phát sinh nợ đọng mới.

“Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch và đã bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ“- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Trên thực tế, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình tại thời điểm bắt đầu của giai đoạn 2 (năm 2016) với 15,2 nghìn tỷ chỉ chiếm 6,9% của tổng số vốn ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp cho chương trình trong 04 năm qua (trên 220 nghìn tỷ), do vậy hầu như không ảnh hưởng nhiều đến việc mở mới và đầu tư đồng bộ xây dựng NTM của giai đoạn 2./.

An Nhi/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xu-ly-no-dong-xay-dung-co-ban-trong-xay-dung-nong-thon-moi-968699.vov