Xử lý những hộ dân tự giết mổ thịt lợn chưa qua kiểm dịch

Với sự nỗ lực của các địa phương, đến nay, các ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, dịch đang diễn biến theo kiểu 'nhảy cóc' rất khó lường.

Ngày 15/4, thông tin chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trên địa bàn, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 5 huyện khiến 8 hộ chăn nuôi phải tiêu hủy 161 con, chủ yếu là lợn thịt (107 con), còn lại là lợn nái và lợn con.

Trong đó, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu là nơi đầu tiên xuất hiện dịch ở tỉnh Nghệ An. Điều đáng mừng là đến nay đã qua 1 tháng, nơi đây không phát sinh ca bệnh mới.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến rất phức tạp. Dịch có xu hướng lây lan theo kiểu “nhảy cóc” và hiện đã bắt đầu xâm nhập vào các gia trại chăn nuôi. Ổ dịch phát sinh mới nhất là ngày 9/4 tại huyện Quỳ Hợp.

Các chốt kiểm dịch hoạt động ngày đêm.

Các chốt kiểm dịch hoạt động ngày đêm.

Mầm bệnh phát tán và lây lan được xác định do tiếp xúc trực tiếp giữa lợn ốm và lợn khỏe, qua vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ vùng này sang vùng khác không được kiểm soát, thức ăn có nhiễm mầm bệnh, không tuân thủ phương thức chăn nuôi an toàn sinh học...

Hiện, chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 10.000 lít hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi và hơn 700 lít hóa chất chống dịch.

Liên quan đến vụ việc, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho hay, với những hộ có lợn chết, UBND tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ 38.000 đồng/kg với lợn thịt và hơn 50.000 đồng/kg với lợn nái.

Ông Hoàng Hiếu Nghĩa cũng khuyến cáo, người tiêu dùng trên địa bàn không nên quá hoang mang mà quay lưng với thịt lợn nếu lợn thịt có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan chức năng chứng nhận.

Tuy nhiên, người chăn nuôi không được dấu dịch khi phát hiện lợn bị ốm hoặc chết không rõ nguyên nhân; không giết mổ, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khi phát hiện lợn dịch…

Khu chuồng trại được rắc vôi bột.

Đối với các hành vi giết mổ, vận chuyển và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không theo quy định, theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, mức xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, hoặc phạt tiền từ 60 - 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng tùy từng hành vi.

Các hình thức xử phạt bổ sung sẽ là tịch thu tang vật; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy, buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật…

Ngoài ra, trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã và cơ quan chuyên ngành thú y cấp huyện được quy định cụ thể ở từng lĩnh vực như: quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ tập trung; sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động thú y...

Theo thông báo của Cục Thú y, hiện nay cả nước có 22 tỉnh có dịch tả lợn châu Phi, trong đó tỉnh Hòa Bình đã công bố hết dịch). Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên 160.000 con lợn các loại.

Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xu-ly-nhung-ho-dan-tu-giet-mo-thit-lon-chua-qua-kiem-dich-a429982.html