Xử lý nghiêm việc phá hoại vườn cây công nghiệp ở Ðắk Lắk

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk liên tục xảy ra các vụ phá hoại vườn cây công nghiệp, chủ yếu là vườn tiêu, cà-phê và sầu riêng, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã trình báo chính quyền và các ngành chức năng nhưng phần lớn các vụ đều chưa tìm ra thủ phạm khiến họ rất hoang mang, lo lắng.

Vườn sầu riêng của gia đình chị Võ Thị Ly bị phá hoại vào cuối tháng 1-2020.

Vườn sầu riêng của gia đình chị Võ Thị Ly bị phá hoại vào cuối tháng 1-2020.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk liên tục xảy ra các vụ phá hoại vườn cây công nghiệp, chủ yếu là vườn tiêu, cà-phê và sầu riêng, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã trình báo chính quyền và các ngành chức năng nhưng phần lớn các vụ đều chưa tìm ra thủ phạm khiến họ rất hoang mang, lo lắng.

Ngày 26-1-2020 (tức mồng 2 Tết Nguyên đán Canh Tý) chị Võ Thị Ly, trú tại thôn Tân Lập 3, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Ðắk Lắk ra thăm rẫy thì phát hiện vườn của gia đình bị kẻ xấu chặt phá tổng cộng 58 cây sầu riêng 11 năm tuổi, hàng chục cây cà-phê cùng nhiều đoạn ống nước. Vườn cây bị chặt phá của gia đình trị giá khoảng 600 triệu đồng, trong đó trung bình mỗi cây sầu riêng thu được khoảng năm triệu đồng/năm. Chị Ly cho biết: “Vườn sầu riêng này được gia đình tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng và cuộc sống của gia đình hiện nay hoàn toàn dựa vào vườn cây này, giờ bị chặt phá không biết cuộc sống sẽ ra sao”. Theo trình bày của chị Ly, khoảng tháng 3-2019, chị có cho một người bạn mượn một chiếc xe máy, tuy nhiên người này sau đó đã mang chiếc xe đi cầm cố. Sau nhiều lần đòi xe không được, khoảng tháng 6-2019, chị Ly đã làm đơn gửi cơ quan công an nhưng đến nay vẫn chưa lấy lại được chiếc xe. Ngày 22-1-2020, có người gọi điện, đe dọa sẽ làm hại đến con cái, tài sản của chị nếu chị không rút đơn kiện, nhưng chị Ly không đồng ý. Chị Ly cho rằng, rất có thể đây là nguyên nhân dẫn đến việc phá hoại vườn cây của gia đình. Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình chị Ly đã làm đơn trình báo đến cơ quan Công an huyện để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối tượng phá hoại. Tuy nhiên, đến nay các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm phá hoại vườn cây công nghiệp của gia đình chị Ly khiến gia đình chị không khỏi hoang mang, lo lắng.

Trước đó, ngày 4-8-2019, Công an xã Ea Nuôl, huyện Buôn Ðôn nhận được đơn trình báo của vợ chồng ông Phan Văn Bích và bà Lê Thị Việt ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột về việc vườn tiêu của gia đình mình bị kẻ xấu chặt phá hơn 200 gốc đang trong thời kỳ kinh doanh, gây thiệt hại lớn về kinh tế và gây hoang mang đối với những gia đình trồng tiêu trong vùng. Ông Phan Văn Bích cho biết: Gia đình ông vào xã Ea Nuôl mua 2,5 ha đất để trồng cây công nghiệp từ năm 2014 đến nay. Trên diện tích này, ông trồng cà-phê xen hồ tiêu, chôm chôm đều xanh tốt và trĩu quả. Trong 5 năm qua, việc trồng cây công nghiệp của gia đình ông ở đây diễn ra bình thường, không có việc gì xảy ra. Thế nhưng vào ngày 25-7-2019, vợ chồng ông Bích đi TP Pleiku, tỉnh Gia Lai dự đám cưới, ngày 29-7 trở về thì phát hiện vườn tiêu của gia đình bị kẻ xấu chặt phá hơn 200 gốc. Mỗi gốc tiêu, gia đình ông Bích đã đầu tư hơn một triệu đồng bao gồm giống, trụ, phân bón, chưa kể công chăm sóc suốt 5 năm qua. Hiện vườn tiêu đang trong thời gian kinh doanh, mỗi gốc tiêu gia đình ông thu được từ tám đến 10 kg tiêu khô/năm, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nay vườn tiêu bị kẻ xấu chặt phá, héo rũ, không thể phục hồi lại được, gây thiệt hại lớn cho gia đình. Theo ông Bích, thời gian qua, gia đình ông cũng có xích mích nhỏ với người chung quanh, nhưng không đến mức phải trả thù như vậy. Khi phát hiện vườn tiêu bị phá hoại, vợ chồng ông hết sức bàng hoàng, chỉ biết trình báo sự việc lên công an xã để vào cuộc điều tra truy tìm thủ phạm để gia đình và người dân trong vùng yên tâm sản xuất. Nhưng đến nay các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Cũng như vậy, vụ việc vườn sầu riêng của gia đình chị Ðoàn Thị Thanh Thủy ở thôn Tân Hòa, xã Tân Lập, huyện Krông Búk bị phá hoại từ tháng 4-2019 đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Chị Thủy cho biết, ngày 30-4-2019, khi ra thăm vườn, chị phát hiện nhiều cây sầu riêng xảy ra tình trạng chết cành, rụng hoa. Sau khi kiểm tra kỹ, gia đình đã phát hiện tất cả những cây sầu riêng này đều bị đục lỗ ở phần gốc. Chung quanh những gốc cây này cỏ bị chết trụi, những cây cà-phê chung quanh lá cũng bị héo quắt giống như bị xịt thuốc diệt cỏ. Ngay sau khi phát hiện vườn sầu riêng bị phá hoại, gia đình chị Thủy đã trình báo cơ quan công an để điều tra làm rõ. Một lãnh đạo Công an huyện Krông Búk cho biết, sau khi nhận được thông tin trình báo của gia đình chị Thủy, Công an huyện đã vào cuộc điều tra, bước đầu xác định có 12 cây sầu riêng trị giá khoảng 800 triệu đồng của gia đình chị Thủy đã bị kẻ xấu đầu độc. Cụ thể, kẻ xấu đã dùng hóa chất, nhiều khả năng là thuốc diệt cỏ để bơm trên cành và tiêm trực tiếp vào gốc cây sầu riêng. Những cây sầu riêng bị đầu độc đều xuất hiện dấu hiệu khô, rụng hoa và cành bị chết dần. Ngoài 12 gốc sầu riêng đang kinh doanh, gia đình chị Thủy còn phát hiện có khoảng 10 cây sầu riêng ba năm tuổi cũng bị phá hoại bằng hình thức tương tự. Chị Thủy cho biết: “Từ trước đến nay gia đình tôi không mâu thuẫn với ai. Tuy nhiên, vào hồi tháng 7-2018, một số hộ trong thôn thông báo đóng tiền làm đường nhưng do gia đình tôi ít đi trên con đường này cho nên chỉ ủng hộ thôi chứ không đóng đủ. Có lẽ vì vậy đã nảy sinh mâu thuẫn với một số người trong thôn cho nên mới dẫn đến sự việc này. Theo chị Thủy, vườn sầu riêng của gia đình chị có giá trị kinh tế rất lớn, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Qua ba thí dụ nêu trên có thể nhận thấy, tình trạng chặt phá vườn cây công nghiệp có giá trị cao như cà-phê, hồ tiêu, sầu riêng trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk thường xuyên xảy ra, gây hậu quả nặng nề.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 42.500 ha tiêu, 203.000 ha cà-phê và hơn 11.000 ha cây ăn trái các loại, đây là các loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Theo tính toán, hiện nay để đầu tư trồng một héc-ta tiêu, cà-phê, sầu riêng, người nông dân phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để cày đất, mua trụ (đối với cây tiêu), cây giống, phân bón, công chăm sóc, chưa kể tiền thuê đất... Bên cạnh đó, phần lớn gia đình nông dân ở Ðắk Lắk cuộc sống chủ yếu dựa vào vườn cây công nghiệp là chính. Thời gian qua, tình trạng phá hoại vườn cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại nặng nề và hoang mang lo lắng cho người dân, nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc phá hoại vườn cây công nghiệp là do mâu thuẫn cá nhân và phần lớn các vụ chặt phá cây trồng xảy ra vào ban đêm, ở vùng sâu, vùng xa, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xử lý. Ðể ngăn chặn được tình trạng này, trước hết người nông dân cần cảnh giác để bảo vệ tài sản của gia đình mình. Về phía chính quyền, UBND tỉnh Ðắk Lắk cần chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh, nhất là lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Khi xảy ra các vụ phá hoại vườn cây công nghiệp cần tích cực vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại để răn đe.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/43443002-xu-ly-nghiem-viec-pha-hoai-vuon-cay-cong-nghiep-o-%C3%B0ak-lak.html