Xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Văn bản số 45/TANDTC-PC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việc ban hành văn bản tại thời điểm này là kịp thời, cấp thiết, là cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những vi phạm, khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật.

Thời gian qua, khi cả nước tập trung mọi nỗ lực để phòng, chống dịch Covid-19 thì tại một số địa phương vẫn xuất hiện những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch, nhất là hành vi gian dối trong khai báo y tế bắt buộc, chống đối cách ly, trốn cách ly tập trung..., khiến dư luận hết sức phẫn nộ, bức xúc. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn thể người dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

Đã có nhiều quan điểm, ý kiến của các chuyên gia pháp lý, luật sư cho rằng cần thiết phải khởi tố các trường hợp nêu trên. Từ đó, khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như răn đe, ngăn chặn những vi phạm tương tự.

Công an TX Đông Triều lập hồ sơ xử lý vi phạm các trường hợp không đeo khẩu trang. (Ảnh: Thu Trang-CTV)

Công an TX Đông Triều lập hồ sơ xử lý vi phạm các trường hợp không đeo khẩu trang. (Ảnh: Thu Trang-CTV)

Trước thực tế đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành Văn bản số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19. Trong đó, hướng dẫn cụ thể việc áp dụng pháp luật đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo Phó Chánh Tòa án nhân dân tỉnh Đặng Trúc Lâm, hiện chúng ta đã có Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ ngày 1/7/2008, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định các tội danh liên quan đến việc làm lây lan dịch bệnh. Việc ban hành Văn bản số 45 nhằm hướng dẫn cụ thể, chi tiết công tác xét xử các tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19. Từ đó, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật một cách thống nhất, cũng như đấu tranh tích cực và hiệu quả đối với nhóm tội phạm này, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Ngay sau khi có văn bản của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các tỉnh đã gửi văn bản đến các lực lượng chức năng để có căn cứ, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

Tại Quảng Ninh, thời gian qua, công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, Quảng Ninh chưa có trường hợp nào vi phạm bị xử lý theo Bộ luật Hình sự. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, Tòa án nhân dân tỉnh tiếp tục cùng các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch...

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đây là chủ trương đúng đắn, ban hành kịp thời để công tác phòng, chống dịch Covid-19 triển khai toàn diện, hiệu quả. Cùng với nhân dân cả nước, người dân Quảng Ninh cũng rất đồng tình, ủng hộ. Chị Nguyễn Thu Huyền (khu 1, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) chia sẻ: “Thời gian qua, bản thân tôi và có lẽ hầu hết người dân đều bức xúc trước việc một số cá nhân cố tình khai báo y tế gian dối, trốn khỏi nơi cách ly tập trung... Đây là hành vi thiếu trách nhiệm với cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 cho toàn xã hội. Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn xử phạt các hành vi này là biện pháp mạnh tay và rất cấp thiết trong giai đoạn này...”.

Văn bản đã hướng dẫn cụ thể cách xác định tội danh, áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, tổ chức xét xử đối với vụ án theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trong đó, quy định các đối tượng có khả năng vi phạm, từ người cách ly, đưa thông tin sai sự thật đến các chủ cơ sở kinh doanh, trục lợi từ dịch bệnh…

Cụ thể, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Các hành vi này gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị phạt tiền từ 50 triệu-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối; gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 và bị phạt tiền từ 20 triệu- 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288, có thể bị phạt từ 20 triệu -1 tỷ đồng, phạt tù từ 1 đến 7 năm.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ban hành Văn bản số 45 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là biện pháp xử lý mạnh tay, kiên quyết, góp phần tích cực vào "cuộc chiến" chống dịch Covid-19 của nước ta.

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/phap-luat/202004/xu-ly-nghiem-vi-pham-ve-phong-chong-dich-covid-19-2477572/