Xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở Di sản Tràng An

Hưởng lợi từ Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản 'kép', cùng những giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất cố đô Hoa Lư, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch ở Ninh Bình luôn nỗ lực phát triển các loại hình dịch vụ theo đúng quy hoạch.

Lực lượng chức năng ở huyện Hoa Lư (Ninh Bình) sử dụng máy xúc tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng trên đất ao vườn gần Di sản Tràng An.

Lực lượng chức năng ở huyện Hoa Lư (Ninh Bình) sử dụng máy xúc tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng trên đất ao vườn gần Di sản Tràng An.

Hưởng lợi từ Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản "kép", cùng những giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất cố đô Hoa Lư, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch ở Ninh Bình luôn nỗ lực phát triển các loại hình dịch vụ theo đúng quy hoạch.

Tuy nhiên, do một số hình thức kinh doanh lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, có lợi nhuận cao, cho nên nhiều hộ dân trong các khu dân cư liền kề di sản cố tình lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép phục vụ du lịch trên đất vườn, đất ao, nhằm kiếm lời. Việc làm nêu trên về lâu dài sẽ tạo ra khó khăn, bất cập cho công tác quản lý, bảo tồn di sản, cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Xử lý vi phạm không có vùng cấm

10 tháng đầu năm 2020, tại các xã: Ninh Xuân, Ninh Hòa, Ninh Hải, Trường Yên, Ninh Thắng, thuộc huyện Hoa Lư và xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, liên quan đến địa giới hành chính vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình), xảy ra 29 vụ vi phạm trật tự xây dựng trên đất vườn, đất ao trong các cụm dân cư. Ông Bùi Việt Thắng, Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An khẳng định: Vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất đai, tùy tiện xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, homestay, cơ sở ăn uống trái phép, nhằm phục vụ du lịch trên đất vườn, ao trong một số hộ dân. Các vi phạm nêu trên dù không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (gọi tắt là Di sản Tràng An). Song nếu không ngăn chặn kịp thời, về lâu dài những vi phạm này sẽ phá vỡ cảnh quan chung của Di sản Tràng An; thậm chí gây ra nhiều hệ lụy khó khăn cho công tác quản lý và bảo tồn di sản.

Tại huyện Hoa Lư, từ năm 2014 khi quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là di sản thì lượng khách đến tham quan ngày càng nhiều hơn. Nhiều loại hình kinh doanh du lịch, dịch vụ phát triển theo khá nhanh. Vì lợi nhuận cao, cho nên một số hộ dân sinh sống lâu đời trong các khu vực dân cư liền kề Di sản Tràng An và người dân ở ngoài tỉnh đổ về mua bán, chuyển nhượng đất đai, bất chấp các quy định pháp luật về bảo vệ di sản, về quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình, cố tình xây dựng trái phép công trình kinh doanh du lịch trên đất vườn, ao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư Nguyễn Quốc Hưng, cho biết: "Hoa Lư có nhiều xã nằm trong vùng lõi, vùng đệm Di sản Tràng An. Do vậy, quan điểm xử lý vi phạm trật tự xây dựng của huyện là không có vùng cấm. Cứ vi phạm là xử lý, huyện không né tránh, không làm ngơ. Từ năm 2016 đến nay, huyện lập biên bản 225 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tổng số tiền phạt hành chính lên tới hai tỷ đồng. Trong đó, có 87 trường hợp buộc phải tháo dỡ công trình; 138 trường hợp bắt phải tháo dỡ một phần công trình; hoặc phải khôi phục nguyên trạng sử dụng đất như trước khi vi phạm". Ông Nguyễn Quốc Hưng thông tin: Trong năm 2020, nhiều vụ vi phạm mới được xử lý kịp thời, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội như: Vi phạm của gia đình ông Vũ Hoàng Trạch, ở thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tùy tiện chuyển 1.093 m2 đất trồng lúa sang xây dựng một số công trình trái phép với ý định phục vụ du lịch, bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng và buộc phải tháo dỡ công trình; hoặc vi phạm của hộ gia đình ông Ðỗ Văn Hội ở xã Ninh Hải, xây dựng một nhà ba tầng, một nhà hai tầng, một nhà cấp bốn trên đất vườn khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép đã bị phạt hành chính 15 triệu đồng, buộc phải tháo dỡ công trình và nhiều trường hợp khác...

Thách thức trong bảo tồn di sản

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất cố đô Hoa Lư. Môi trường thiên nhiên ở đây đa dạng, núi đá hùng vĩ có nhiều hang động kỳ bí, sông nước mênh mang, giúp Tràng An trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, khu vực này lại nằm trong địa bàn hành chính 20 xã, thuộc năm huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình. Từ lâu đời, ở đây đã có hàng chục nghìn người dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, làm nghề truyền thống; ngày nay thì làm du lịch, dịch vụ.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025 tỉnh Ninh Bình xác định: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành trung tâm du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đón tám đến chín triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt; khách lưu trú 1,8 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phát triển du lịch trong di sản tất yếu sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa bảo tồn và vấn đề bảo đảm sinh kế cho người dân, nhất là khi Ninh Bình không thể có đủ quỹ đất, nguồn lực tài chính thực hiện phương án di dời toàn bộ các hộ dân từ vùng lõi ra vùng đệm di sản. Về công tác kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự xây dựng của người dân có lúc, có nơi lãnh đạo một số xã (như: Ninh Hải, Ninh Xuân huyện Hoa Lư), còn nể nang, ngại va chạm hoặc né tránh. Ðiều này dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất, vi phạm xây dựng là khó tránh khỏi, ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan Di sản Tràng An. Ðây là thách thức, áp lực lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Song, sẽ không khó khi ngành Du lịch Ninh Bình thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của UNESCO về công tác quản lý, bảo tồn di sản, gắn với phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh trên cơ sở những giá trị Di sản Tràng An, giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất cố đô Hoa Lư; kết hợp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng môi trường du lịch Ninh Bình thành điểm đến văn minh, an toàn, hấp dẫn. Quan trọng hơn, là phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc bảo tồn di sản cho thế hệ tương lai; phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ nghiệp vụ du lịch, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân phát triển các hình thái du lịch mới, dịch vụ mới như: Du lịch băng rừng, leo đèo, vượt dốc khám phá di sản; du lịch nông thôn tạo thêm sinh kế cho cộng đồng khai thác các giá trị tự nhiên, văn hóa bản địa trong Di sản Tràng An và cố đô Hoa Lư…

Trước mắt, tỉnh Ninh Bình cần tăng cường chỉ đạo các huyện Hoa Lư, Gia Viễn tiếp tục rà soát, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên đất vườn, đất ao của những hộ dân bị phát hiện như: Vi phạm của hộ ông Trịnh Kim Quy, Lưu Ðức Nam, Nguyễn Quốc Huy ở xã Ninh Xuân; hộ ông Hoàng Văn Ðại, xã Ninh Hòa; hộ bà Trần Thị Thắm ở xã Trường Yên; bà Nguyễn Bích Ngọc, xã Ninh Hải (đều thuộc huyện Hoa Lư); hoặc hộ ông Trần Quốc Trinh, hộ bà Lưu Thị Dung ở xã Gia Sinh huyện Gia Viễn và nhiều hộ khác. Ðối với những trường hợp chây ì thì tiếp tục tuyên truyền, xây dựng phương án cưỡng chế, phương án bảo đảm an ninh, trật tự theo đúng quy định, để tạo ra hình ảnh đẹp về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Tràng An, nhất là khi Năm Du lịch quốc gia 2021 được tổ chức tại Ninh Bình đang tới gần.

LÊ HỒNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/xu-ly-nghiem-vi-pham-trat-tu-xay-dung-o-di-san-trang-an-623545/