Xử lý nghiêm vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các địa phương trong cả nước đang thực hiện các giải pháp phòng chống dịch; trong đó, thực hiện xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng trên đàn lợn nhập vào lò mổ Bãi Dâu thuộc khu vực chợ Đầu Mối, thành phố Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Phun thuốc tiêu độc khử trùng trên đàn lợn nhập vào lò mổ Bãi Dâu thuộc khu vực chợ Đầu Mối, thành phố Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện chưa phát hiện có dich bệnh tả lợn châu Phi nhưng để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, đặc biệt là đàn lợn với trên 549.000 con được tỉnh xác định đây là nhiệp vụ cấp bách phải thực hiện.

Hiện tại, Ban chỉ đạo phòng chống dịch từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đồng thời, Yên Bái còn thành lập các tổ công tác về chỉ đạo phòng chống dịch tại cơ sở; tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi lợn thực hiện "5 không". Cùng đó, Yên Bái đã đồng loạt tổ chức triển khai vệ sinh, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Đặc biệt, Yên Bái còn đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc - xin các loại cho đàn vật nuôi để tăng cường sức đề kháng, nhất là đàn lợn.

Tại các chợ, cơ sở giết mổ, các đầu mối giao thông ở Yên Bái đã được các tổ kiểm soát liên ngành kiểm tra thường xuyên. Ngành nông nghiệp thành lập 4 tổ công tác gồm những cán bộ thú y giỏi về các huyện, xã hỗ trợ phòng chống dịch. Các địa phương cũng đã vào cuộc rất tích cực như các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn… tổ chức thông tin kịp thời đến người chăn nuôi về diễn biến tình hình dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, từ khi thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (10/3) tới nay, ngành chức năng tỉnh đã kiểm tra, kiểm soát 383 xe với trên 47.000 con lợn được vận chuyển qua bàn tỉnh Tiền Giang.

Tỉnh Tiền Giang đã thành lập 5 chốt kiểm dịch động vật tạm thời; tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, tập huấn giúp người dân chăn nuôi, giết mổ, buôn bán nhận thức và hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi.

Ngoài ra, các ngành chức năng cũng giám sát chặt chẽ quy trình thu gom, giết mổ, xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển thịt lợn và các sản phẩm làm từ lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; tăng cường phối hợp, vận động các đơn vị vận tải không vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền vào ngày 16-17/3, hiện tại, trên địa bàn này đã xác định có thêm 9 con lợn rừng trong tổng số 47 con lợn rừng tại trại chăn nuôi Khu du lịch nước khoáng Thanh Tân, thuộc thôn Công Thành (xã Phong An) bị mắc bệnh. Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lấy mẫu của lợn đang mắc bệnh gửi đi xét nghiệm.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Trịnh Đức Hùng thông tin, toàn huyện có 16/16 xã, thị trấn đã hoàn thành việc phun hóa chất tiêu trùng khử độc; rải vôi để phòng chống dịch. Ngoài các chốt kiểm dịch đã được lập trên địa bàn, huyện Phong Điền thành lập thêm 3 chốt kiểm dịch tại các xã Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân để kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật, chống dịch bệnh lây lan.

Ở thị xã Hương Thủy, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã phối hợp với khoa chăn nuôi, Trường Đại học Nông lâm Huế tiếp tục triển khai tiêu độc khử trùng tại các khu vực có nguy cơ nhiễm dịch tả lợn châu Phi cao như: lò mổ, chợ bán sản phẩm động vật, các cơ sở chăn nuôi và đường làng, ngõ xóm có chăn nuôi lợn mật độ dày trên địa bàn thị xã.

Lực lượng chức năng xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) tiến hành tiêu hủy lợn ở bản Hải Sơn I bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: TTXVN phát

Tại tỉnh Sơn La, lực lượng chức năng huyện Sông Mã đã phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại gia đình ông Phạm Văn Quyết ở bản Hải Sơn I xã Chiềng Khoong.

Ngay khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, huyện Sông Mã đã nhanh chóng khoanh vùng dịch, tập trung xử lý và tiêu hủy 36 con lợn nhiễm bệnh. Đồng thời, huyện Sông Mã tăng cường các chốt kiểm dịch, phun tiêu độc, khử trùng các phương tiện qua lại tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện cùng các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, không để tiếp xúc với các mầm bệnh.

Cùng với Sông Mã, huyện Bắc Yên đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại bản Tra (xã Phiêng Côn) làm cho 19 con lợn mắc bệnh. Huyện Bắc Yên đã thành lập các tổ công tác triển khai biện pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tại xã Phiêng Côn, đồng thời tiêu hủy toàn bộ đàn lợn tại bản Tra.

Huyện Bắc Yên cũng đã thành lập 5 chốt kiểm dịch động vật tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào các xã lân cận trên địa bàn; tuyên truyền sâu rộng tới các hộ chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh lợn, không mua bán, kinh doanh vận chuyển lợn trong vùng có dịch; không vứt lợn chết bệnh ra môi trường gây ô nhiễm và lây lan bệnh. Mặt khác, huyện Bắc Yên chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng đối với chuồng trại chăn nuôi, các phương tiện ra vào địa bàn.

Nhóm phóng viên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/xu-ly-nghiem-van-chuyen-thit-lon-khong-ro-nguon-goc-20190322163711523.htm