Xử lý nghiêm tình trạng trốn đăng kiểm phương tiện

Theo quy định, các phương tiện quá hạn đăng kiểm hoặc hết niên hạn sử dụng sẽ không được phép lưu hành. Tuy nhiên, tình trạng phương tiện thủy, bộ quá hạn đăng kiểm nhưng vẫn tham gia giao thông xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).

Xe hết hạn đăng kiểm vẫn tung hoành

Có mặt tại tỉnh Tiền Giang, dạo một vòng quanh các khu công nghiệp, như: Mỹ Tho, Trung An, Song Thuận... không khó để bắt gặp tình trạng ô tô hết hạn đăng kiểm hoạt động vận chuyển hàng hóa với đoạn đường ngắn. Chỉ riêng khu vực cầu Bà Đắc, huyện Cái Bè (khu vực có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh gạo), đã có khoảng 30 chiếc xe tải quá hạn đăng kiểm đang hoạt động, thường xuyên vận chuyển lúa, gạo từ khu vực chợ Thiên Hộ thuộc xã Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè) ra khu vực cầu Bà Đắc, An Cư... Anh Nguyễn Văn Hai, tài xế Doanh nghiệp tư nhân Thuận Phát Tài, cho biết: “Dù khoảng cách di chuyển không xa nhưng lái mấy xe này cũng lo lắm, toàn là “xe cổ” thôi, nay hư chỗ này mai hỏng chỗ khác”. Đối với đường thủy, tình trạng trốn đăng kiểm còn đáng báo động hơn. Tại Bạc Liêu, theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2018 của Chi cục Đăng kiểm Bạc Liêu, toàn tỉnh có hơn 9.000 phương tiện, nhưng còn đến 5.000 phương tiện chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm. Trong đó, chủ yếu là các phương tiện dưới 15 tấn, vỏ lãi composite có gắn động cơ công suất máy từ 5 đến 15 mã lực.

 Kiểm định phương tiện tại Trung tâm kiểm định kỹ thuật phương tiện thiết bị thủy bộ Cần Thơ 6501S

Kiểm định phương tiện tại Trung tâm kiểm định kỹ thuật phương tiện thiết bị thủy bộ Cần Thơ 6501S

Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm với các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không được quản lý, đăng ký, đăng kiểm. Điển hình như tại Cà Mau, ngày 27-8, Công an huyện U Minh khởi tố ông Nguyễn Hoàng Nhung (58 tuổi, ngụ tại xã Khánh An) về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Theo cơ quan điều tra, ông Nhung là chủ phương tiện thủy mang số hiệu CM-23703, đã hết hạn đăng kiểm 6 tháng. Chiếc đò này có công suất 19CV, chỉ được phép chở 2 người và hàng hóa 0,6 tấn. Tuy nhiên, sáng 20-8, ông Nhung dùng đò hết hạn đăng kiểm chở 10 người vượt sông Cái Tàu, đến giữa sông thì gặp sự cố khiến anh Nguyễn Thanh Hiền (31 tuổi, quê Bà Rịa-Vũng Tàu) thiệt mạng.

Khó kiểm soát do thiếu dữ liệu liên thông

Thời gian qua, lực lượng CSGT các địa phương đã phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp phương tiện hết hạn đăng kiểm vẫn vô tư chở hàng hóa. Tuy nhiên, việc phát hiện các phương tiện quá thời hạn kiểm định không phải dễ, bởi để nhận biết có hết hạn đăng kiểm hay không chỉ có cách dừng phương tiện kiểm tra. Thông thường, các phương tiện quá hạn kiểm định khi bị lực lượng chức năng phát hiện đều lấy lý do chỉ di chuyển cự ly ngắn trên các tuyến kênh, rạch hay tuyến đường nông thôn nên chưa đăng kiểm lại để trốn nộp phí bảo trì đường bộ và một số khoản phí khác theo quy định.

Bên cạnh đó, do công tác đăng kiểm đã được xã hội hóa nên rất khó để biết phương tiện đã hay chưa đăng kiểm. Theo ông Lê Chí Thanh, Phó giám đốc Trung tâm kiểm định kỹ thuật phương tiện thiết bị thủy bộ Cần Thơ 6501S, rất khó để cung cấp số liệu chính xác phương tiện đã quá hạn kiểm định, bởi chỉ tính riêng Cần Thơ đã có 3 trung tâm kiểm định và không ai bắt buộc phương tiện phải kiểm định ở một trung tâm nhất định nào. “Các trung tâm đăng kiểm cứ vô tư mọc lên nhưng thiếu sự liên kết với nhau. Đây là một trong những “lỗ hổng” dẫn đến khó khăn trong quản lý đăng kiểm”, ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ phương tiện dưới 15 tấn, vỏ lãi composite có gắn động cơ công suất máy từ 5 - 15 mã lực chưa quan tâm đăng ký, đăng kiểm.

Để thuận cho công tác quản lý đăng kiểm phương tiện định kỳ, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng phần mềm tra cứu phương tiện quá hạn đăng kiểm để cơ quan chức năng địa phương tra cứu nhằm kịp thời đôn đốc và nhắc nhở chủ phương tiện. Tuy nhiên, thông tin mới dừng lại ở các cơ quan quản lý cấp trên mà chưa đến được cơ sở. Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Văn Tha, Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm Bạc Liêu cho rằng, thực tế, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đăng tải trên trang điện tử các trường hợp xe quá hạn đăng kiểm, nhưng do chưa có sự liên thông dữ liệu giữa quản lý đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm phương tiện nên rất khó biết được phương tiện thực tế đang ở đâu. Để giải quyết được tình trạng này, theo ông Tha cần xây dựng dữ liệu quốc gia nhằm phục vụ quản lý chung đối với đăng kiểm phương tiện thủy và bộ. Từ đó, đơn vị chức năng địa phương sẽ có phương án đôn đốc quản lý, giám sát phương tiện quá hạn đăng kiểm, cần thiết sẽ có phương án xử lý đối với hành vi cố tình vi phạm.

Qua tìm hiểu thực tế, không ít chủ phương tiện vẫn chưa quan tâm nhiều đến đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Ông Lê Văn Biếu, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Tiền Giang, cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của chủ phương tiện sẽ rất khó kiểm soát. “Nhiều chủ phương tiện là người nghèo, đi chở thuê, chở mướn trái cây nên cũng chẳng muốn mất tiền để đăng kiểm phương tiện”, ông Biếu nói.

Thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, cần tích cực tuyên truyền, vận động, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, như thế mới có thể nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ phương tiện, góp phần hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông từ những phương tiện không bảo đảm quy chuẩn kiểm định.

THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xu-ly-nghiem-tinh-trang-tron-dang-kiem-phuong-tien-549279