Xử lý nghiêm, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Tình trạng quảng cáo nói chung, quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) nói riêng vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp dù Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế thường xuyên kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, còn có hiện tượng một số nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm thường thổi phồng công dụng, nhất là với TPCN... gây bức xúc trong dư luận. Những hành vi này cần phải lên án, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đừng quảng cáo... liều

Ngoài tham gia quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số nghệ sĩ, người nổi tiếng còn giới thiệu sản phẩm thông qua các buổi livestream trên mạng xã hội. Bên cạnh TPCN, họ còn nhận lời quảng cáo cho nhiều sản phẩm liên quan đến mỹ phẩm, tiền ảo... Thời gian vừa qua, dư luận hết sức bức xúc trước việc một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo và thổi phồng công dụng của viên sủi Shioka khi cho rằng sản phẩm có thể làm “tiêu tan u xơ, u nang”. Sau khi bị chỉ trích, một số người đã phải đăng đàn xin lỗi hoặc âm thầm xóa video quảng cáo trên trang mạng xã hội cá nhân. Trên cổng thông tin điện tử của Cục ATTP tại địa chỉ vfa.gov.vn liên tục cảnh báo người dân không mua, không sử dụng các sản phẩm TPCN quảng cáo vi phạm quy định pháp luật, trong đó có sản phẩm viên sủi Shioka nêu trên. Mới đây, Cục ATTP đã xử phạt 3 công ty vi phạm (có địa chỉ ở Hà Nội), cụ thể: Xử phạt Công ty Cổ phần Dược phẩm Locifa 162 triệu đồng; Công ty Cổ phần Công nghệ cao Gob quốc tế 150 triệu đồng; Công ty TNHH Thương mại quốc tế Phamaco 60 triệu đồng. Hành vi vi phạm mà cả 3 công ty trên mắc phải là quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Đánh giá về thực trạng này, PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho rằng: “Các vi phạm về quảng cáo TPCN ngày càng phức tạp dù chúng tôi thường xuyên kiểm tra, xử lý. Việc kiểm tra, xử lý các quảng cáo vi phạm trên internet và mạng xã hội gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Người dân cần nêu cao cảnh giác, khi có bệnh thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị sớm, không nên tự ý mua thuốc hay các sản phẩm TPCN quảng cáo trôi nổi”. Luật sư Đặng Văn Cường, Chánh văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Nghệ sĩ, người nổi tiếng ký hợp đồng quảng cáo cho các nhãn hàng, doanh nghiệp là hết sức bình thường, giúp họ có thêm thu nhập chính đáng. Tuy nhiên, khi tham gia quảng cáo, nghệ sĩ phải có trách nhiệm và tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật để quảng cáo đúng luật, mang lại hiệu ứng tích cực. Nếu nghệ sĩ, người nổi tiếng vô tình hay cố ý vi phạm quy định của Luật Quảng cáo, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bị cấm hoặc thực hiện các hành vi bị cấm trong quảng cáo, quảng cáo khi chưa biết rõ công dụng, giá trị của sản phẩm, quảng cáo sai sự thật... thì sẽ gây hệ lụy rất xấu cho xã hội và mất danh tiếng, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Xử lý nghiêm vi phạm

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 1854/BVHTTDL-NTBD đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan...

Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi quảng cáo sản phẩm không được kiểm chứng về nguồn gốc xuất xứ, công dụng thực tế, thổi phồng công dụng sản phẩm của một số nghệ sĩ thời gian qua có thể xem là tiếp tay, đồng phạm với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ khi “lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo”. Đây là hành vi bị cấm và cần phải xử lý nghiêm theo quy định. Nếu người vi phạm đã bị xử lý hành chính mà vẫn tái phạm thì sẽ bị xử lý hình sự. Nếu người cung cấp sản phẩm, dịch vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, rất có thể các nghệ sĩ tham gia quảng bá, giới thiệu cũng sẽ bị liên đới trách nhiệm. “Theo Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi năm 2018), hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, Điều 197, Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”, luật sư Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Pháp luật về quảng cáo vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trước sự phát triển của internet và mạng xã hội cũng như hình thức influencer marketing (nhờ người có ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ). Do đó, cùng với việc xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo các quy định hiện hành để răn đe, ngăn chặn thì chúng ta cũng phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về quảng cáo để theo kịp sự phát triển của xã hội”.

LINH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xu-ly-nghiem-tiep-tuc-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-662628