'Xử lý nghiêm sai phạm của Mường Thanh để tìm người chống lưng'

'Xử lý nghiêm sai phạm của Mường Thanh để tìm người chống lưng'; 'VND yếu sẽ giúp giảm tải áp lực tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung'... là một số phát ngôn ấn tượng của các chính khách, chuyên gia được BizLIVE ghi nhận trong tuần qua.

Ảnh minh họa.

Chiến tranh thương mại lan rộng, mặt hàng nào có thể bị gia tăng rào cản?

Trong cuộc họp báo công bố các số liệu thống kê kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê ngày 28/9, một lần nữa, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề cập đến tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam mà theo ông tác động của nó cả mặt tiêu cực và tích cực.

Cụ thể, theo ông Lâm, quy mô chiến tranh thương mại ngày càng mở rộng, trước đây đánh thuế 7% vào 50 tỷ USD hàng hóa, hiện là 200 tỷ USD vào hàng hóa Trung Quốc. Trong giai đoạn ngắn hạn với quy mô không mở rộng tác động vào Việt Nam ít, ít ảnh hưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ 9 tháng đầu năm 25 tỷ USD. Nhưng về dài hạn chiến tranh thương mại kéo dài mở rộng thì sẽ ảnh hưởng.

“Việt Nam đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu, đứng thứ 5 về quy mô thương mại với Mỹ với chiều hướng, chính sách gia tăng của chính quyền Mỹ thì rủi ro lớn nhất là Mỹ đưa ra rào cản về thuế, kỹ thuật đối với một số nước đang có thặng dư thương mại. Không loại trừ khả năng một số mặt hàng có kim ngạch lớn vào Mỹ như dệt may, điện tử, điện thoại… có thể là đối tượng bị nhắm đến trong thương lai tới”, ông Lâm nói. (Xem tiếp)

Bí thư Đà Nẵng: “Xử lý nghiêm sai phạm của Mường Thanh để tìm người chống lưng”

Hôm 25/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu để thông báo kết quả kỳ họp vừa qua của Quốc hội.

Trong hơn 20 phút giải đáp ý kiến cử tri, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa giành gần nửa thời gian nói về những sai phạm của Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (gọi tắt là khách sạn Mường Thanh).

Chủ đầu tư đã xây sai phép từ tầng 2 đến tầng 5 bằng việc biến diện tích nhà để xe, nhà trẻ và sinh hoạt cộng đồng thành 104 căn hộ bán cho người mua. Chính quyền địa phương đã có kế hoạch cưỡng chế, tháo dỡ nhưng sau đó phải lùi thời gian lại vì phát hiện thêm hàng loạt sai phạm khác.

Ông Nghĩa nhận định, sai phạm của Mường Thanh là "khá nổi tiếng" và "có thể có ai đó chống lưng". Nhưng quan điểm của lãnh đạo thành phố là xử lý đến nơi đến chốn dựa trên cơ sở của luật, không sợ việc có ai đó đứng sau. "Làm rõ sẽ lòi ra ai chống lưng cho Mường Thanh", ông nói. (Xem tiếp)

“VND yếu sẽ giúp giảm tải áp lực tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang leo thang khi cả Mỹ và Trung Quốc đều áp thuế quan lên khoảng 1/2 tổng lượng thương mại của hai nước. Mỹ chính thức áp mức thuế 10% lên gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vào hôm nay, ngày 24/09/2018, và dự định sẽ tăng mức thuế cho gói hàng này lên 25% từ ngày 01/01/2019. Trung Quốc đáp trả lại bằng gói thuế quan khoảng 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Tiến sĩ Kinh tế Đại học Havard, ông Chua Hak Bin, Kinh tế trưởng Tập đoàn Maybank Kim Eng cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bán ra thêm 3-5 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối nhằm ổn định tiền VND, giữ đồng nội tệ giảm giá nhẹ là quyết sách phù hợp và không có gì lo lắng. (Xem tiếp)

Đón dòng vốn FDI từ Trung Quốc: Chọn ứng xử khôn ngoan

Theo Tổng cục Thống kê, nếu như năm 2011, số vốn đăng ký của Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) là 1,3 tỷ USD thì đến năm 2017, số vốn đăng ký của Trung Quốc tăng 2,7 lần. Như thế, tốc độ tăng bình quân mỗi năm khoảng 18%. Cơ cấu vốn của Trung Quốc trong tổng số vốn FDI đăng ký là 12%, xếp sau Nhật Bản (30%), Hàn Quốc (28%) và Singapore (19%). Đấy là chưa kể luồng vốn ngầm đầu tư qua các kênh khác mà cơ quan thống kê không thể quan sát.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng dòng vốn FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam từ chỗ xếp thứ hạng khiêm tốn nay đã lọt tốp 10 quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam cho thấy chiến lược rõ ràng của nước này.

“Từ năm 2015 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thường nằm trong top 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam để đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường TPP béo bở và hoặc sau này là thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP”, ông Trinh nhận định. (Xem tiếp)

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/xu-ly-nghiem-sai-pham-cua-muong-thanh-de-tim-nguoi-chong-lung-3472800.html