Xử lý nghiêm hành vi mua bán, vận chuyển pháo trái phép

Theo bạn đọc phản ánh, gần đến Tết Nguyên đán, tại một số tỉnh biên giới như Kon Tum, Lạng Sơn, Quảng Ninh… nổi lên tình trạng mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các loại pháo. Ðể ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng các địa phương, nhất là Bộ đội Biên phòng đã đề ra nhiều giải pháp, đấu tranh hiệu quả với các đối tượng vi phạm.

Cán bộ, chiến sĩ BÐBP Hà Giang thu giữ, kiểm đếm các loại pháo được vận chuyển trái phép trên xe ô-tô 29H-103.55, đoạn qua huyện Ðồng Văn. Ảnh: THIỆN NGAY

Cán bộ, chiến sĩ BÐBP Hà Giang thu giữ, kiểm đếm các loại pháo được vận chuyển trái phép trên xe ô-tô 29H-103.55, đoạn qua huyện Ðồng Văn. Ảnh: THIỆN NGAY

Theo bạn đọc phản ánh, gần đến Tết Nguyên đán, tại một số tỉnh biên giới như Kon Tum, Lạng Sơn, Quảng Ninh… nổi lên tình trạng mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các loại pháo. Ðể ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng các địa phương, nhất là Bộ đội Biên phòng đã đề ra nhiều giải pháp, đấu tranh hiệu quả với các đối tượng vi phạm.

Vừa qua, tại xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum), lực lượng của Ðoàn Ðặc nhiệm số 2, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Cục PCMT và TP) chủ trì, phối hợp Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Kon Tum tạm giữ xe ô-tô BKS 82C-038.59, do Phan Thanh Hà (SN 1991, trú huyện Ngọc Hồi) điều khiển. Kiểm tra, các cán bộ BÐBP phát hiện trên xe vận chuyển trái phép 136 kg pháo các loại, 30 kg động vật hoang dã. Bước đầu, lái xe Hà khai nhận đã mua và vận chuyển số pháo, động vật hoang dã nêu trên về các địa bàn trung tâm của tỉnh để bán kiếm lời. Trước đó, tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), các đơn vị nghiệp vụ của BÐBP tỉnh Lạng Sơn phối hợp lực lượng hải quan bắt giữ một xe công-ten-nơ chở hành tây có nhiều biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra phát hiện ngoài 50 bao tải hành tây có khoảng 500 thùng các-tông đựng pháo ống hình trụ. Tổng khối lượng số pháo hơn 12 tấn. Bước đầu, lái xe Ðinh Kim Hoàng (trú thị xã An Nhơn, Bình Ðịnh) khai nhận chở thuê số hàng này cho một người ở TP Lạng Sơn từ bên kia biên giới về tỉnh Bắc Ninh, sau đó vận chuyển tiếp vào tỉnh Lâm Ðồng.

Qua tìm hiểu, mặc dù việc đốt pháo đã bị pháp luật nghiêm cấm nhưng nhiều người vẫn cố tình tìm mua pháo, nhất là dịp cuối năm. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội này, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Cụ thể, tại các tuyến biên giới đường bộ, các đối tượng thường mua các loại pháo từ nước ngoài rồi đóng gói lẫn vào các hàng hóa có giá trị thấp nhằm tránh sự chú ý của các cơ quan chức năng. Ðể vận chuyển vào sâu nội địa, số hàng này được các đối tượng khéo léo ngụy trang trên các xe chở khách, xe tải hoặc thuê người mang, vác vào ban đêm qua các lối mở khu vực biên giới. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn lợi dụng việc ưu tiên thông quan các công-ten-nơ theo luồng vàng của hải quan; để lẫn pháo nổ với hàng nông sản vận chuyển qua cửa khẩu biên giới với số lượng rất lớn. Ðể tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng đã vận chuyển số lượng nhỏ hơn 6 kg pháo, thuê người vận chuyển bằng xe máy. Trên tuyến đường biển, các đối tượng thường cất giấu pháo trong hầm chứa hàng hóa, ca-bin tàu hoặc ngụy trang trong lưới đánh cá nhằm vận chuyển trót lọt về Việt Nam rồi xé lẻ tìm cách tiêu thụ…

Trao đổi với Ðại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng PCMT và TP, chúng tôi được biết, bên cạnh sự quyết tâm triệt phá các hoạt động mua bán, vận chuyển pháo thì các đơn vị BÐBP cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, từ ngày 1-1-2018, lực lượng BÐBP không có thẩm quyền điều tra đối với tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (trong đó có pháo nổ) được quy định tại Ðiều 190, 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tại Công văn số 340/TANDTC-PC ngày 22-12-2017 của Tòa án nhân dân tối cao về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán "pháo hoa nổ" trong nội địa, quy định: "Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng là pháo nổ hay pháo hoa và trong trường hợp kết quả giám định xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử về hình sự…"; Công văn số 128/VKSTC-V3 ngày 10-1-2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc xử lý hành vi liên quan đến pháo khẳng định: "Hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn số 340 nêu trên là phù hợp với kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và yêu cầu Viện Kiểm sát các cấp vận dụng văn bản của Tòa án nhân dân tối cao để xử lý các hành vi liên quan đến pháo". Trong thực tế hiện nay, tại thời điểm bắt giữ đối tượng vận chuyển pháo cùng tang vật, bằng trực quan các cán bộ BÐBP thực hiện nhiệm vụ không thể xác định được tang vật là pháo nổ hay pháo hoa. Vì vậy, không có căn cứ để tạm giữ hình sự đối tượng vận chuyển, mua bán loại hàng hóa này... Mặt khác, nếu muốn trưng cầu giám định chuyên ngành về pháo chính xác thì hiện nay nhiều đơn vị phải gửi đến các cơ quan giám định chuyên môn cấp Trung ương. Chính những điều này vô tình cản trở và khiến lực lượng chức năng mất nhiều thời gian hơn khi xử lý vụ việc; đồng thời, không bảo đảm cho việc kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn tội phạm…

Trong năm 2018 và năm 2019, các đơn vị BÐBP đã phát hiện, thu giữ tổng số 46 tấn pháo các loại. Số lượng thu giữ các loại pháo tuy rất lớn nhưng đây vẫn chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Ðể tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nêu trên, Cục PCMT và TP nói riêng và lực lượng BÐBP nói chung đã và đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trên tất cả các tuyến biên giới, vùng biển nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan các loại pháo. Tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công văn số 02/BCÐ389-VPTT ngày 28-1-2019 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng, chống buôn lậu pháo nổ qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển...; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong phòng, chống loại tội phạm này. Lãnh đạo Cục cũng tích cực tham mưu với Bộ Tư lệnh BÐBP kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung quyền hạn điều tra của lực lượng BÐBP đối với các tội danh quy định tại Ðiều 190, 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ðể góp phần hạn chế tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các loại pháo ở khu vực biên giới; mỗi cán bộ, chiến sĩ BÐBP phải là những tuyên truyền viên tích cực giúp nhân dân hiểu rõ về các quy định quản lý, sử dụng các loại pháo. Tích cực vận động người dân cam kết không tham gia tiếp tay cho các hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ; đồng thời tăng cường tố giác tội phạm liên quan pháo nổ…

Ðại tá NGUYỄN VĂN THIỀM Phó Chỉ huy trưởng BÐBP Quảng Ninh

Mặc dù hành vi mua bán, đốt pháo trái phép đã bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, người dân ở địa phương chúng tôi vẫn đốt rất nhiều loại pháo. Từ ngoài sân cho đến ngoài phố, xác pháo đỏ vương vãi khắp nơi... Ðể hạn chế tình trạng này, mong rằng các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng BÐBP cần quyết liệt ngăn chặn các đối tượng mua bán, vận chuyển pháo nổ ngay từ khu vực biên giới…

THÁI MINH LONG (Quỳnh Lưu, Nghệ An)

THÀNH HỒNG và THỌ HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/42816702-xu-ly-nghiem-hanh-vi-mua-ban-van-chuyen-phao-trai-phep.html