Xử lý nghiêm hành vi mê tín, dị đoan, trục lợi tâm linh

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sáng 6-6, việc phòng ngừa hiện tượng lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng, mê tín dị đoan... là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn.

Một số cá nhân lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan

Theo đó, một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và Du lịch về hiện tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan như dịch vụ tâm linh, thầy bói, thầy tướng...

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết nêu rõ: Điều 24 Hiến pháp 2013 đã quy định, mọi người có quyền tự do tôn giáo. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, bản chất tôn giáo là tốt đẹp, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác, cái xấu, tu nhân tích đức. Sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, giúp con người phát triển toàn diện. Pháp luật nước ta luôn tôn trọng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: baochinhphu.vn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: baochinhphu.vn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua, có một số cá nhân lợi dụng nghi thức tôn giáo tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. Vấn đề này đã bị pháp luật xử lý và dư luận xã hội lên án vì vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Khắc phục hiện tượng trên, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng ngừa mê tín dị đoan. Đồng thời, tăng cường giáo dục, tuyên truyền trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị tốt đẹp của văn hóa và tín ngưỡng, ngăn ngừa các hoạt động mê tín dị đoan. Đặc biệt, sẽ xem xét các các quy định về pháp luật với các hành vi vi phạm. Cùng với đó, tập trung nâng cao đời sống người dân, xây dựng các công trình văn hóa thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra thanh tra các hoạt động văn hóa...

Riêng trường hợp bà Phạm Thị Yến, người tuyên truyền về "thỉnh vong", kêu gọi phật tử đến chùa "giải oan" ở chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã xử phạt vi phạm hành chính mức cao nhất là 5 triệu đồng. Ngoài ra, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về hành nghề mê tín dị đoan theo điều 320 của Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật để phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, chúng ta đã có Luật Tôn giáo, tín ngưỡng, Bộ luật Hình sự, Nghị định 159… “Nếu như chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa và xử lý, hiện tượng đại biểu nêu sẽ chấm dứt”, Bộ trưởng khẳng định.

Có hay không việc “kinh doanh chùa”?

Đặc biệt, câu hỏi về quản lý chùa, liệu có hay không việc “kinh doanh chùa” để trục lợi cũng được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải đáp.

Theo đó, làm rõ thêm về vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, xây dựng chùa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Theo pháp luật Việt Nam và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không có quy định về “kinh doanh chùa”.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng tôn giáo thì Bộ Nội vụ cũng chưa phát hiện hành vi “kinh doanh chùa” để trục lợi; đến nay chưa phát hiện cán bộ công chức nào góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu. Ảnh: THẢO NGUYỄN.

Tuy vậy, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận, thời gian qua, có nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo; có đại biểu nêu ý kiến có hay không việc “kinh doanh chùa”? “Tôi khẳng định, thời gian qua việc xây dựng các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo do nhân dân đóng góp”, Bộ trưởng nói.

Về sự việc xảy ra ở Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều văn bản chỉ đạo, xử lý dứt điểm những vụ việc sai phạm tại đây. UBND tỉnh Quảng Ninh và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã xử lý rất quyết liệt những sai phạm tại chùa Ba Vàng. Các bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc xử lý những sai phạm trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, đã lấy lại niềm tin của các tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam.

Về các giải pháp về quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ sẽ triển khai một số giải pháp như: Tiếp tục đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản để xử lý những sai phạm trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo; không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lệch chuẩn về đạo đức, phản văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân và Phật tử cả nước hiểu đúng bản chất, ý nghĩa tốt đẹp của các tôn giáo và các chính sách tôn giáo. Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức sắc tôn giáo, cán bộ làm công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng tôn giáo; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xử lý dứt điểm những sai phạm nếu có...

Vẫn có hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh"

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), đại diện cho tôn giáo, cũng tham gia làm rõ những nội dung liên quan đến một số nghi lễ, như dâng sao giải hạn, thỉnh vong diễn ra tại một số chùa trong thời gian vừa qua, hay chùa xây dựng có sự góp vốn của cá nhân, tổ chức kinh doanh hay không?

Là một đại biểu Quốc hội, một tu sĩ phật giáo trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu rõ: Tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo địa phương cùng nhân dân xây dựng và quản lý, không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này.

“Không chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ tập thể, cá nhân với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu dưới cụm từ rất mới, lạ là “chùa BOT", Hòa thượng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thừa nhận dù rất ít song vẫn có hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, những trường hợp nhà tu hành tại một số chùa có ứng xử chưa phù hợp với phật tử đều đã được Giáo hội Phật giáo Trung ương, Giáo hội Phật giáo địa phương nhắc nhở, xử lý theo quy định hiến chương của Giáo hội.

“Một lần nữa, tôi xin khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm đạo đức và giáo luật”, đại biểu Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

Xử lý nghiêm các hành vi mê tín dị đoan

Nhấn mạnh “phải phản đối, lên án, đấu tranh chống lại các hành vi mê tín, dị đoan, chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Vi phạm cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý thật nghiêm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: THẢO NGUYỄN.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng xử lý vấn đề này không chỉ bằng pháp luật, quy định mà còn phải tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của các tổ chức tôn giáo.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Phó thủ tướng, xét trên giác độ văn hóa, khi một tôn giáo du nhập vào Việt Nam có sự ảnh hưởng qua lại với văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng dân cư, của dân tộc. Trong quá trình đó, những gì không phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng cần được chỉ ra, vận động để loại bỏ dần, trong đó rất cần kết hợp với các tổ chức tôn giáo...

Phó thủ tướng nhấn mạnh: Mê tín, dị đoan suy cho cùng là do thiếu hiểu biết nên chúng ta cần chú trọng hơn tới giáo dục, văn hóa, để nâng cao dân trí, để người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý. Có hành vi trước đây là đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp với thế giới văn minh. Những điều này cần sự phân tích có tình, có lý của các nhà nghiên cứu tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu văn hóa. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương, tổ chức cần tăng cường công tác nêu gương những việc tốt; phân tích cặn kẽ trên giác độ văn hóa để từ đó nhân rộng cái tốt, hạn chế cái xấu.

“Chúng ta hãy cùng gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của các tôn giáo nhưng đồng thời hết sức cầu thị trên tinh thần khoa học để có những ứng xử phù hợp với yêu cầu của thời đại mới”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/xu-ly-nghiem-hanh-vi-me-tin-di-doan-truc-loi-tam-linh-575957