Xử lý nghiêm hành vi đánh bạc núp bóng trò chơi truyền thống

Nhiều bạn đọc phản ánh, tại các lễ hội truyền thống, một số trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng, đấu vật, họa mi chọi… thể hiện tinh thần thượng võ, ước mơ no đủ và bình an của nhân dân bị biến tướng thành các trò cờ bạc, đỏ đen, gây bức xúc dư luận.

Trò chơi Cắt chỉ ăn tiền diễn ra công khai trong Lễ hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Tại lễ hội làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội), bên cạnh những lễ nghi truyền thống, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao thì có nhiều trò chơi bị biến tướng dưới hình thức cờ bạc như chọi gà, phi tiêu... Nhất là trò chơi dân gian chọi gà ăn tiền được diễn ra công khai trong lễ hội mà không bị các lực lượng chức năng nhắc nhở. Nhiều người có máu đỏ đen đã mất rất nhiều tiền cá độ bị “chim mồi” ranh ma lột sạch tiền từ các trò “vui chơi có thưởng”. Anh Nguyễn Văn Hạnh, ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) chia sẻ: “Tệ nạn cờ bạc ở đây diễn ra quanh năm chứ không tập trung vào mấy ngày lễ hội. Nhiều gia đình trong xã còn vay nặng lãi để đánh bạc, cá độ chọi gà và khi không trả được đã thế chấp tài sản cho chủ nợ…”. Tại lễ hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội), năm nay ban tổ chức nghiêm cấm các hành vi đánh bạc nhưng ở khuôn viên khu di tích có một người đàn ông khoảng 60 tuổi đang hướng dẫn các cháu nhỏ chơi trò cắt chỉ, thả bi ăn tiền. Mệnh giá đặt cược là 10 nghìn đồng, nếu ai thả bi qua các hàng đinh; dùng dao cắt một sợi chỉ thành ba sợi thì được thưởng 50 nghìn đồng. Trong khoảng từ 9 giờ đến 11 giờ ngày 25-2-2018, đã có hàng chục người tham gia trò chơi. Điều đặc biệt là trò chơi thu hút khá đông học sinh tiểu học, THCS ở địa phương tham gia. Theo người đàn ông này, đây không phải là trò chơi cờ bạc mà là trò chơi giải trí có phần thưởng bằng tiền thay cho các phần quà (?).

Không chỉ biến tướng tại các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian chọi gà còn được tổ chức kín đáo trong các khu dân cư, gây mất an ninh - trật tự địa phương. Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã phối hợp triệt phá tụ điểm đá gà chọi ăn tiền tại nhà bà Trần Thị Thương, ở Đội 20, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên và bắt giữ 52 đối tượng. Tang vật thu gồm 182 triệu đồng, hai cặp gà chọi, 76 điện thoại di động, một xe ô-tô, 33 xe máy cùng nhiều tang vật, tài liệu khác. Theo một cán bộ công an, các đối tượng đã lợi dụng địa bàn vắng vẻ, độc đạo để tổ chức đá gà ăn tiền với quy mô lớn. Để vào được nơi đá gà (sới gà), phải là những người quen hoặc cá độ chuyên nghiệp và phải trả lệ phí vào đây khá cao. Khi đá gà, nhiều con bạc sát phạt nhau qua những lời giao kèo như “quả bốn cho gà tía hay quả sáu cho gà ô” (bốn trăm nghìn đồng ăn một triệu đồng hoặc sáu trăm nghìn đồng ăn một triệu đồng)… Kết thúc lời giao kèo là những cái bắt tay. Số tiền cá độ sẽ được thanh toán sau khi trận đá gà kết thúc. Đặc biệt, một số chủ gà còn phát trực tiếp trận đá gà qua facebook và thực hiện các giao dịch cá độ thông qua tài khoản cá nhân hoặc thẻ điện thoại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số lễ hội như làng Xuân Đài, xã Trường Thọ, huyện An Lão (TP Hải Phòng); đền Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa); miếu Đụ Đị, ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ); Đền Thượng, TP Lào Cai (Lào Cai), và gần đây nhất là lễ hội Bát Tràng, ở huyện Gia Lâm (Hà Nội)… đều xuất hiện các trò chơi “tôm cua cá”, cờ tướng hoặc chọi gà bị biến tướng thành tệ nạn cờ bạc. Tại những lễ hội này, ban tổ chức đã thông báo nghiêm cấm tệ nạn cờ bạc, mê tín dị đoan,… nhưng những tiết mục “vui chơi có thưởng” vẫn diễn ra công khai và thu hút rất đông người tham gia.

Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, hiện nay lễ hội tại nhiều địa phương thường chú trọng phần “lễ” mà quên đi phần “hội”, cho nên đã xuất hiện nhiều trò chơi truyền thống bị biến tướng dưới hình thức cờ bạc. Tiêu biểu như chọi gà, vốn là trò chơi giải trí nhằm nuôi dưỡng ước mơ ấm no, hạnh phúc của người nông dân trong lĩnh vực chăn nuôi, đồng thời là chất keo gắn kết cộng đồng tại các hội làng xưa. Hay như cờ tướng là trò chơi thể hiện trí tuệ, phẩm chất và tính cách của người phương đông. Tuy nhiên, các trò chơi này thường biến thành hình thức cờ bạc và được đưa vào danh mục trò chơi do ban tổ chức lễ hội trao giải. Điều này vô tình hợp pháp hóa tệ nạn cờ bạc trong lễ hội.

Trò chơi dân gian là nét sinh hoạt văn hóa do nhân dân sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất và được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng. Do đó, việc bảo tồn và phát huy những giá trị của trò chơi dân gian là rất cần thiết… Để các trò chơi dân gian không bị biến tướng thành tệ nạn cờ bạc, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tích cực tuyên truyền về những hệ lụy của việc đánh bạc; vận động các gia đình ký cam kết không đánh cờ bạc; quản lý chặt chẽ từ khâu cấp phép đến giám sát hoạt động trò chơi trong lễ hội. Nếu phát hiện cá nhân, đơn vị tổ chức các trò chơi dân gian dưới hình thức cờ bạc thì phải xử lý nghiêm hoặc truy tố trước pháp luật.

Theo điều 321, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), việc đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội có trong quy định tại điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Tuy nhiên, nếu người phạm tội sử dụng mạng in-tơ-nét, mạng máy tính; có tính chất chuyên nghiệp… để phạm tội thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm…

Luật sư NGUYỄN THỊ THÚY HÀ (Văn phòng luật sư Hạnh Nguyễn, Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Bài và ảnh: DUY MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/36300102-xu-ly-nghiem-hanh-vi-danh-bac-nup-bong-tro-choi-truyen-thong.html