Xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ. Các đối tượng gây án rất manh động, liều lĩnh, bất chấp pháp luật, gây thương tích cho những người đang thực thi nhiệm vụ.

Công an TP.Biên Hòa lấy lời khai đối tượng Hồ Văn Mạnh. Ảnh: Đình Biên

Công an TP.Biên Hòa lấy lời khai đối tượng Hồ Văn Mạnh. Ảnh: Đình Biên

Một số nguyên nhân chính được các ngành chức năng xác định là do người dân bức xúc vì bị nhắc nhở, xử phạt vi phạm khi tham gia giao thông hoặc do uống rượu, bia không làm chủ được hành vi.

* Hành hung người thực thi công vụ

Điều đáng nói có một số vụ án chống người thi hành công vụ là do các đối tượng có hành vi côn đồ, quá khích. Cụ thể như vụ phạm nhân tấn công một chiến sĩ công an tại Nhà tạm giữ Công an huyện Long Thành.

Ngày 16-8, Đinh Văn Diễn (29 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang, từng có 2 tiền án), đang bị tạm giữ tại Nhà tạm giữ Công an huyện Long Thành, đã chống cự và dùng bàn chải đánh răng đâm vào mí mắt một cán bộ quản giáo tại đây gây thương tích. Nguyên nhân là do đối tượng này bị cán bộ quản giáo nhắc nhở, yêu cầu ra khỏi buồng giam để lập biên bản vì gây mất an ninh trật tự và vi phạm nội quy tạm giữ, tạm giam.

Bên cạnh những kẻ quá khích, chống đối người thi hành công vụ thì tình trạng các đối tượng sử dụng rượu, bia không làm chủ được hành vi, sẵn sàng hành hung, gây thương tích cho lực lượng công an đang thực thi nhiệm vụ cũng trở nên phổ biến.

Đơn cử vào tháng 5-2019, Công an huyện Tân Phú bắt giữ Tăng Huyền Vũ (27 tuổi, ngụ xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú) để xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ. Ngày 19-5, sau khi đi nhậu say về, giữa Vũ và một số người khác xảy ra xô xát khiến Vũ bị thương phải đưa đến Trạm y tế xã Thanh Sơn để băng bó. Vì Vũ đã tham gia gây rối an ninh trật tự nên lực lượng Công an xã xuống làm việc thì đối tượng có hành vi chửi bới, đe dọa và đánh vào mặt một cán bộ công an xã gây thương tích.

Một số vụ chống người thi hành công vụ trong năm 2019 đã được xử lý nghiêm. Chẳng hạn như vào ngày 18-7, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã tuyên phạt Hồ Văn Mạnh (28 tuổi, quê tỉnh Long An) 8 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.

Trước đó vào trưa 27-3, Tổ cảnh sát giao thông (Công an TP.Biên Hòa) phát hiện Mạnh điều khiển xe máy không có biển số, gương chiếu hậu nên đã yêu cầu Mạnh dừng xe, lên lề đường để kiểm tra. Mạnh không chấp hành mà còn quay ra cự cãi, tấn công cảnh sát giao thông. Sau đó, Mạnh gọi em trai là Hồ Văn Thương (24 tuổi) đến dùng cây sắt tấn công, gây thương tích cho một số chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ.

* Phòng ngừa hành vi chống người thi hành công vụ

Theo Công an tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ chống người thi hành công vụ. Các vụ việc chống người thi hành công vụ đang ngày càng có diễn biến phức tạp, tính chất côn đồ, hung hãn, liều lĩnh. Hậu quả không chỉ gây thương tích cho cán bộ đang làm nhiệm vụ mà còn thể hiện thái độ coi thường pháp luật của nhiều đối tượng quá khích.

Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn luật sư Đồng Nai cho biết, theo quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự, người nào dùng vũ lực, đe dọa vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ hoặc ép họ thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức; chống người thi hành công vụ từ 2 lần trở lên; lôi kéo, xúi giục, kích động người khác phạm tội hoặc gây thiệt hại trên 50 triệu đồng thì có thể bị phạt đến 7 năm tù.

Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Đội phó Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Tân Phú cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ chống người thi hành công vụ phần lớn là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; tình trạng lạm dụng rượu, bia khiến nhiều người không làm chủ được hành vi của mình.

Theo Công an huyện Long Thành, một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng chống người thi hành công vụ là do việc đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng thực thi nhiệm vụ còn thiếu. Nhiều công cụ hỗ trợ đã lạc hậu, không đủ sức răn đe đối với đối tượng có hành vi quá khích, chống đối. Lực lượng cơ sở chưa được đào tạo, trang bị đủ kiến thức về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật để giải quyết thỏa đáng cho người dân mỗi khi họ sai phạm nên dễ xảy ra bức xúc không đáng có.

Trước thực tế trên, theo Công an tỉnh, công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ là việc làm cần thiết để bảo vệ người thực thi nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, các cấp cần quan tâm hơn đến việc giáo dục chính trị, tư tưởng để lực lượng thi hành nhiệm vụ ý thức được vai trò, vị trí của mình, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phẩm chất, nâng cao trình độ và biết xử sự đúng mực khi thi hành nhiệm vụ.

Điều quan trọng nhất là phải tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật trong các lĩnh vực, đặc biệt chú trọng đến hành vi chống người thi hành công vụ để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; đấu tranh với hành vi vi phạm, có biểu hiện tiêu cực trong xã hội và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chống đối lực lượng thi hành công vụ nhằm răn đe và phòng ngừa chung.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201912/xu-ly-nghiem-hanh-vi-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-2979624/