Xử lý nghiêm để phòng, chống tham nhũng tốt hơn

Xử lý nghiêm sai phạm, chỉ rõ những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng để có các biện pháp phòng ngừa cụ thể là những giải pháp mà Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa 16 về 'Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí' thực hiện trong nửa nhiệm kỳ qua. Nhờ đó, chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến từ thực tiễn.

Quận Ba Đình đã rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần tự giác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong giao tiếp ứng xử với người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Cán bộ UBND quận Ba Đình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: MINH HÀ

Xử lý nghiêm các sai phạm

Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy, trong hơn hai năm qua, các cơ quan chức năng của thành phố đã phối hợp chặt chẽ, xử lý có hiệu quả các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thành ủy tập trung chỉ đạo tích cực, ba cơ quan tư pháp chủ động phối hợp, tập trung giải quyết các vụ án tham nhũng đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và gây oan sai. Hà Nội là địa phương phát hiện, xét xử số vụ án tham nhũng lớn trong cả nước. Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố 60 vụ với 194 bị can; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp do các cơ quan trung ương chuyển đến, được các cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Do đó, tình hình tham nhũng, lãng phí đã được kiềm chế.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, thành phố tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Qua đó, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ..., ngăn chặn biểu hiện “xin - cho”, giảm tình trạng “tham nhũng vặt”...

Hằng năm, UBND thành phố ban hành kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng và kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị tăng cường thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tập trung vào một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của Nhà nước; quy hoạch, đất đai… Trong đó, Thanh tra thành phố và thanh tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai 745 cuộc thanh tra (491 cuộc theo kế hoạch và 254 cuộc đột xuất); đã kết luận 552 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm hơn 1.180 tỷ đồng (kiến nghị thu hồi hơn 1.078 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 102 tỷ đồng) và 32,66 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 132 tập thể, 248 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm.

Tại các quận, huyện, thị xã, việc triển khai Chương trình 07 cũng được cụ thể hóa bằng kế hoạch, nội dung sát với thực tế. Quận Ba Đình đã rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần tự giác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong giao tiếp ứng xử với người dân và doanh nghiệp. Huyện Thường Tín chú trọng số hóa một số nội dung quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận thường xuyên chấn chỉnh và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; góp phần củng cố chất lượng, nâng cao uy tín bộ máy chính quyền. Đổi mới lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, phòng, chống các hành vi quan liêu, hách dịch, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ chuyên môn.

Tăng các biện pháp phòng ngừa

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 07, vẫn còn có một số hạn chế cần tập trung khắc phục trong nửa cuối nhiệm kỳ. Đó là việc xử lý một số vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn nể nang, né tránh hoặc xin xử lý nội bộ. Tính chủ động trong công tác tự kiểm tra phát hiện sai phạm chưa cao; việc kê khai tài sản và kiểm soát kê khai tài sản còn hình thức. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm và tội phạm tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng cơ bản đã giảm nhưng chưa nhiều…

Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, cùng với việc tập trung khắc phục những hạn chế nêu trên, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thời gian tới, để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị phải nhận diện, xác định nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực quản lý của mình và chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt” gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; tăng cường công khai, minh bạch một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức.

Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 07 mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố không được thỏa mãn với những kết quả đạt được và phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn. “Chúng ta phải chỉ ra các lĩnh vực, các khâu công việc, các địa bàn dễ xảy ra tham nhũng mà xây dựng các chuyên đề, kế hoạch ngăn chặn hiệu quả hành vi tham nhũng, tiêu cực”, đồng chí Hoàng Trung Hải nói và nhấn mạnh cán bộ, đảng viên ngành nội chính phải có bản lĩnh vững vàng, nghiệp vụ giỏi, dám đối mặt với mọi khó khăn, thử thách để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

KHẢI HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37334202-xu-ly-nghiem-de-phong-chong-tham-nhung-tot-hon.html