Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm

Năm nào cũng vậy, càng gần đến Tết Nguyên đán, nỗi lo về mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) càng gia tăng. Bởi đây là thời điểm nhu cầu mua và sử dụng thực phẩm của người dân nhiều hơn bình thường, trong khi đó, bên cạnh những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có tâm vẫn còn không ít cơ sở bất chấp, sử dụng nguồn gốc thực phẩm bị cấm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Có một thực tế là dù đã bị công khai lên án và xử phạt, nhưng hằng năm, đặc biệt là dịp gần Tết, cơ quan chức năng vẫn phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh mất ATVSTP. Điển hình như các vụ vận chuyển thịt heo, gà, bò đã bốc mùi hôi thối hay sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào khâu chế biến thực phẩm. Ở không ít doanh nghiệp có bếp ăn tập thể vẫn còn xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm do sử dụng nguồn thực phẩm kém chất lượng, khâu bảo quản thực phẩm chưa tốt. Đặc biệt, với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, việc quản lý nhằm bảo đảm ATVSTP khá khó khăn, chủ yếu vẫn phải trông chờ vào ý thức tự giác chấp hành và đạo đức kinh doanh của đối tượng này do thiếu nguồn nhân lực để kiểm tra, giám sát.

Thực tế qua công tác kiểm tra ATVSTP tại Đồng Nai thời gian qua cho thấy, hầu hết doanh nghiệp lớn, làm ăn uy tín lâu năm trên lĩnh vực thực phẩm đều rất quan tâm đến việc đảm bảo ATVSTP, bởi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo đức kinh doanh liên quan đến tính mạng, an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, trong quy trình sản xuất, những doanh nghiệp này tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, nguyên tắc mang tính bắt buộc đồng thời sẵn sàng điều chỉnh những khâu còn khiếm khuyết. Tất cả đều vì mục tiêu chung là hướng đến uy tín, chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cơ sở dù đã bị nhắc nhở, thậm chí là xử phạt về việc mất ATVSTP vẫn chưa tự giác khắc phục, tiếp tục tái phạm.

Đồng Nai hiện có gần 13 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để công tác quản lý có hiệu quả, tỉnh đã tiến hành phân cấp theo quy mô cơ sở. Theo đó, tuyến tỉnh quản lý 870 cơ sở, tuyến huyện quản lý hơn 2,2 ngàn cơ sở, còn lại do tuyến xã quản lý. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực còn hạn chế nên việc thanh, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo ngành Y tế, lo lắng nhất hiện nay vẫn là tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc thực phẩm tập thể tại các doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian tới đây sẽ là vấn đề được ngành hết sức quan tâm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

ATVSTP chưa bao giờ là vấn đề hết “nóng”, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt những quy định có liên quan, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng trong thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, tránh tình trạng “lờn thuốc”, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

M.N

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202102/xu-ly-nghiem-co-so-vi-pham-quy-dinh-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-3042624/