Xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho xây dựng không phép

Thời gian qua, câu chuyện xây dựng nhà không phép đã và đang 'nóng' lên tại các địa phương, từ đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cho đến các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Bình Dương…

Tháo dỡ một công trình xây dựng không phép (Ảnh: Plo)

Tháo dỡ một công trình xây dựng không phép (Ảnh: Plo)

Các công trình xây dựng không phép, nhà ở không phép không chỉ làm méo mó bộ mặt đô thị mà nó còn hình thành ra nhiều khu dân cư nhếch nhác, tự phát… phá vỡ quy hoạch, gia tăng gánh nặng, áp lực lên hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục.

Vấn đề càng “nóng” hơn và khiến dư luận bức xúc là việc xây dựng các công trình, nhà ở không phép không dừng ở quy mô nhỏ mà lại ngày càng lớn hơn, quy mô hơn và diễn ra một cách “êm ái” giữa các đô thị lớn, trung tâm thành phố của một số tỉnh.

Huyện Bình Chánh, TPCHM từ lâu đã được coi là địa bàn nhức nhối về vấn nạn xây dựng không phép. Mặc dù Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị 23 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, UBND TPHCM đã chỉ đạo rất kiên quyết, tình trạng xây dựng không phép đã được kéo giảm nhưng chưa được xử lý triệt để.

Hay như tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty TNHH Việt Trung 1 ngang nhiên xây dựng 14 công trình, hạng mục không phép ngay tại số 222 đường Lưu Chí Hiếu, Phường 10, TP Vũng Tàu trong một thời gian dài, điều đáng nói hơn là công trình xây dựng không phép chỉ cách UBND Phường 10 “vài bước chân”.

Còn tại Đồng Nai, cả một khu du lịch xây dựng không phép tại phường Bảo Vinh, TP Long Khánh cũng đã xuất hiện trước sự “ngỡ ngàng” của người dân và dư luận… câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng này lại xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô xây dựng ngày càng lớn? Trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ở đâu trong sự việc này?

14 công trình xây dựng không phép rầm rộ, quy mô lớn, chỉ cách UBND Phường 10, TP Vũng Tàu không xa nhưng chính quyền lại chậm phát hiện, xử lý và đáng nói hơn là sau khi bị lập biên bản xử lý công trình vi phạm đầu tiên thì sau 10 tháng từ ngày lập biên bản xử lý lại xuất hiện đến 13 công trình không phép nữa của Công ty TNHH Việt Trung 1 “mọc” lên một cách “êm ái”. Chỉ đến khi người dân tố cáo, phản ánh, báo chí vào cuộc thì việc xử lý mới được “rậm rịch”.

Ngoài những lý do muôn thuở như: Quy hoạch chưa đồng bộ; Lực lượng chức năng còn mỏng; Áp lực tăng từ người nhập cư… dư luận đang thấy rõ công tác quản lý nhà nước ở địa phương và công tác quản lý trật tự xây dựng, các cán bộ được phân công thực hiện nhiệm vụ đang có vấn đề.

Có vấn đề chính trong phương pháp, trách nhiệm quản lý. Có vấn đề chính ngay trong mỗi cán bộ được phân công thực thi công việc. Việc dư luận cho rằng có sự tiếp tay, bao che, bảo kê cho xây dựng không phép là hoàn toàn có cơ sở và thực tế đã có cán bộ tại TPHCM bị khởi tố liên quan đến hành vi này, nhưng có lẽ là chưa đủ và chưa mạnh.

Các địa phương cần vào cuộc xử lý làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, của từng cán bộ với biện pháp đủ mạnh, phải điều tra, khởi tố những cán bộ tiếp tay… chứ không chỉ ở dừng lại ở việc rút kinh nghiệm, xử lý hành chính.

Tạ Tuấn

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/xu-ly-nghiem-can-bo-tiep-tay-cho-xay-dung-khong-phep-69850.html