Xử lý nghiêm các vi phạm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy vừa tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn (2008-2020) và định hướng trong giai đoạn tiếp theo.

Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có diện tích tự nhiên khoảng 7.000km², có chức năng điều tiết nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho phần lớn diện tích của 5 tỉnh, thành Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Theo Bộ TN-MT, trong giai đoạn 2008-2020, tuy có sự nỗ lực quản lý và kiểm soát ô nhiễm của các địa phương và Bộ, ngành nhưng chất lượng nguồn nước mặt sông Nhuệ - Đáy vẫn chưa được cải thiện.

Có tới 64% số điểm quan trắc trên hai sông cho chỉ số chất lượng nước ở mức xấu đến rất xấu, trong đó, 31% số điểm quan trắc chất lượng nước bị ô nhiễm nặng.

Vào mùa khô, chất lượng nguồn nước trên sông Nhuệ đoạn qua địa bàn Hà Nội đến Hà Nam có chỉ số chất rắn, chất hữu cơ, kim loại nặng, hợp chất ni-tơ... đều vượt quy chuẩn cho phép hàng chục lần, không sử dụng được vào mục đích sản xuất…

Sông Nhuệ đoạn chảy qua quận Hà Đông. Ảnh: ANTĐ

Sông Nhuệ đoạn chảy qua quận Hà Đông. Ảnh: ANTĐ

Việc vi phạm pháp luật BVMT trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy vẫn diễn biến phức tạp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Ý thức trách nhiệm về BVMT của một bộ phận lãnh đạo các cấp chính quyền còn chưa cao, còn nặng ưu tiên phát triển kinh tế mà xem nhẹ các yêu cầu về BVMT.

Theo UBND TP Hà Nội, TP đã vận hành có hiệu quả đối với trạm bơm tiêu nước vào sông Nhuệ, sông Châu Giang (tỉnh Hà Nam), đập điều tiết nước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của nước thải của TP Hà Nội xả từ sông Tô Lịch qua đập Thanh Liệt xuống khu vực hạ lưu thuộc tỉnh Hà Nam.

Từ năm 2008 đến nay, khối lượng nước thải trên địa bàn TP Hà Nội phát sinh tăng gấp đôi và tỷ lệ thuận với khối lượng cung cấp nước sạch. Hiện tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị ước khoảng gần 960.000 m3/ngày đêm (tương đương với 350,4 triệu m3/năm).

Lượng nước thải sinh hoạt được TP Hà Nội thu gom, xử lý tập trung theo công suất thiết kế tại 8 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) khoảng 296.700 m3/ngày đêm, ước đáp ứng được khoảng gần 30% nhu cầu XLNT. Ngoài ra, nước thải sinh hoạt phát sinh từ các khu đô thị đa phần đã được xử lý tại các Trạm XLNT phân tán.

TP Hà Nội đã và đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các dự án Nhà máy XLNT sinh hoạt tập trung, làng nghề quy mô lớn, điển hình là Dự án Nhà máy XLNT Yên Xá (công suất 270.000 m3/ngày.đêm); Dự án đầu tư, xây dựng hệ thống XLNT tập trung tại làng nghề Phùng Xá, huyện Mỹ Đức (500 m3/ngày.đêm); Nhà máy XLNT Vân Canh, Hoài Đức (4.000 m3/ngày.đêm)…

TP Hà Nội cũng tích cực triển khai các dự án làm sạch, thu gom, nạo vét sông Nhuệ, sông Đáy; đồng thời xây dựng các trạm bơm tiêu thoát nước; tăng cường công tác giám sát, xử lý vi phạm đất đai, lấn chiếm hành lang sông.

Công tác giám sát, xử lý vi phạm đất đai, lấn chiếm hành lang sông đã được triển khai có hiệu quả, trong 6 năm (2015 đến tháng 6-2020), TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BVMT, quản lý tài nguyên nước đối với 14.087 cơ sở; xử lý nghiêm 6.569 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,…có các hành vi vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt trên 81 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, chất lượng nước sông Nhuệ, sông Đáy mới chỉ là xu hướng giảm gia tăng ô nhiễm, chất lượng chưa được cải thiện nhiều vì thiếu các giải pháp công trình liên quan thu gom, xử lý nước thải, công nghệ xử lý thải.

Một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại trong nhiều năm qua như khu vực cuối nguồn sông Nhuệ. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại khu vực nội thành và ô nhiễm do nước thải công nghiệp, từ các làng nghề vẫn diễn biến phức tạp do sức ép về dân số và quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội.

Mặt khác, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT vẫn xảy ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, TP Hà Nội kiến nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề và nước thải sinh hoạt của các địa phương; các dự án xử lý chất thải rắn; các dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn dòng sông; lắp đặt các trạm quan trắc nước mặt và tăng cường quan trắc môi trường nước mặt sông Nhuệ, sông Đáy và đánh giá, dự báo diễn biến chất lượng môi trường.

Đồng thời, kiến nghị Bộ TN-MT chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, quản lý tài nguyên nước, trong đó yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,...phải xử lý nước thải phát sinh đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy Nguyễn Trọng Đông đề nghị, trong thời gian tới, các tỉnh, TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, thực hiện có hiệu quả đề án đã được Chính phủ phê duyệt.

Trong tổng số 45 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay đã có 43/45 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đối với 27 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, đến nay đã có 21 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 77.78%); 6 cơ sở cơ bản đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 22,22%).

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xu-ly-nghiem-cac-vi-pham-moi-truong-luu-vuc-song-nhue-song-day-222300.html