Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

An toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng được các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm và cam kết mạnh mẽ trong việc gắn liền với cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt nên tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra với số lượng lớn.

Còn nhiều sai phạm

Nhận định của Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian gần đây, tình hình vi phạm về ATTP diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng thu giữa thực phẩm bẩn

Lực lượng chức năng thu giữa thực phẩm bẩn

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về ATTP. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm bị thu giữ chủ yếu là bia, rượu, nước giải khát, bánh kẹo, dầu thực vật, sản phẩm động vật cũng như các loại thực phẩm khác.

Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, các hành vi vi phạm chủ yếu về điều kiện ATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; vi phạm về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là tình trạng làm giả nhãn mác hàng hóa của các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của doanh nghiệp và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Những địa bàn thường xảy ra các vụ vi phạm ATTP lớn chủ yếu tập trung ở các thành phố và vùng phụ cận - nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu về thực phẩm lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hay các cửa khẩu tập trung hoạt động xuất nhập khẩu hàng thực phẩm đông lạnh như: Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai; các cảng biển, cảng sông như: Hải Phòng, Cát Lái...

Bức xúc trước sự vi phạm ATTP ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho hay, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ là quyền số 1 của người tiêu dùng. Tuy nhiên, quyền này của người tiêu dùng đã và đang bị xâm hại, thách thức nghiêm trọng. Ngay từ khâu sản xuất. Tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, thuốc kháng sinh ngoài danh mục đã diễn ra từ nhiều năm nhưng chưa giảm. Trên khâu lưu thông, ngày càng nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn bị phát hiện, phải tiêu hủy. “ATTP hiện nay đang là vấn đề rất đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của người tiêu dùng. Trong đó có quyền được đảm bảo an toàn sức khỏe, quyền được thông tin chính xác và quyền được bồi thường thiệt hại” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm

Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP… Tuy nhiên, việc vẫn còn một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP… trà trộn trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang.

Để hạn chế tối đa các vi phạm về ATTP, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung rà soát, tổng hợp các vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP của lực lượng quản lý thị trường. Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước làm tốt công tác dự báo tình hình, theo dõi sát diễn biến của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm; tập trung vào một số mặt hàng như: rượu, hương liệu, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến; ngăn chặn gia cầm, thịt gia súc và phụ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và bán hàng đa cấp. Đồng thời, tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 14/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương để nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực cho lực lượng quản lý thị trường; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức quản lý thị trường cả nước. Tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh không vì lợi ích cá nhân trước mắt mà gây hại cho người dân và cả nền kinh tế…

Tán đồng quan điểm của Tổng cục Quản lý thị trường - ông Nguyễn Mạnh Hùng - kiến nghị, cần có những giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, cơ quan thực thi; các tổ chức, cá nhân kinh doanh; các tổ chức đoàn thể, xã hội; đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng rộng rãi mô hình khép kín theo chuỗi thực phẩm an toàn, từ sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam:

Cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm ATTP. Những tổ chức, cá nhân vi phạm nên công khai danh tính để người tiêu dùng biết và thực hiện quyền được lựa chọn của mình.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-vi-pham-122438.html