Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khám, chữa bệnh

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh tổ chức ngày 12/7, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh…

Việc ban hành Luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và cũng đã tham gia một số hiệp định quốc tế trong lĩnh vực hành nghề y khoa.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 9 năm qua, về cơ bản, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý khá thuận lợi cho hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và giấy phép hoạt động.

Tính đến tháng 12/2018, toàn quốc đã cấp chứng chỉ hành nghề cho 363.407 người hành nghề và đã cấp giấy phép hoạt động cho 49.984 cơ sở khám, chữa bệnh.

Sau 9 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đã hình thành được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên khá vững chắc về cấp chứng chỉ hành nghề. Việc tuân thủ pháp luật về cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động của các cơ quan cấp phép được thực hiện khá tốt.

Các giải pháp tổng thể về giảm quá tải bệnh viện đã được triển khai tích cực và đồng bộ

Trong tổng số 433.801 hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thì chỉ có 2.431 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 0,56%) và trong tổng số 51.249 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động thì chỉ có 1.456 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 2,84%) giải quyết không đúng thời hạn quy định.

Đáng lưu ý, các quy định về chuyên môn kỹ thuật, áp dụng các kỹ thuật, phương pháp mới, xác định sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh, bồi thường thiệt hại, bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian qua, như: Số lần khám bệnh đạt gần 230 triệu lượt, trong đó khoảng 178 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, số lần khám bệnh bình quân đạt 2,4 lần/người dân.

Các giải pháp tổng thể về giảm quá tải bệnh viện đã được triển khai tích cực và đồng bộ như cải tiến quy trình khám bệnh để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân.

Đặc biệt, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, so với năm 2012 thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh.

Đến nay cả nước đã hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. Việc phát triển hệ thống y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền trong khám bệnh, chữa cũng được chú trọng.

Y tế tư nhân phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng với 248 bệnh viện tư nhân, 21.048 phòng khám chuyên khoa. Nhiều kỹ thuật công nghệ y học tiên tiến như ghép tạng, trị liệu tế bào gốc, phẫu thuật nội soi nói chung và nội soi bằng rô bốt nói riêng, sinh học phân tử, y học hạt nhân, đã được nghiên cứu ứng dụng thành công góp phần chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhiều bệnh hiểm nghèo, bệnh khó…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đại biểu tham dự cần nêu rõ những mặt đạt được, nhất là những hạn chế, bất cập của toàn bộ quá trình thi hành Luật. Trong đó cần lưu ý, xác định được những điều khoản, nội dung nào trong Luật gây vướng mắc, mâu thuẫn, thậm chí “ghè đá vào chân”, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy thuốc, nhân viên y tế.

Đồng thời, nghiên cứu các nội dung cần sửa đổi cần đồng bộ với các Luật khác. Xác định những nội dung hành lang pháp lý cần thiết phải ban hành, nhưng chưa có trong Luật hiện tại. Các nội dung điều chỉnh, bổ sung cần đảm bảo phù hợp với quá trình quốc tế của Việt Nam.

Bộ Y tế đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh…

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-ve-kham-chua-benh_t114c9n151175