Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông

Đây là một trong những nội dung tại Báo cáo số 13/BC-BATGT do Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội ban hành về tình hình tai nạn giao thông tháng 2/2020 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trong tháng 2/2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt làm chết 31 người, bị thương 38 người; So sánh cùng kỳ, tai nạn có xu hướng giảm 24 vụ (26,97%), giảm 06 người chết (16,22%), giảm 20 người bị thương (34,48%).

Để hạn chế số vụ tai nạn giao thông, thời gian tới, Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đề nghị Công an thành phố tiếp tục duy trì công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Tập trung xử phạt vi phạm quy định, về nồng độ cồn, tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, đỗ xe đón trả khách trái quy định...

Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ duy trì trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Đ.L

Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ duy trì trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Đ.L

Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở (xã, phường, thị trấn) duy thường xuyên công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo chủ đề Năm an toàn giao thông 2020 “Đã uống rượu, bia không lái xe”, Luật Giao thông đường bộ, Luật đường sắt và Luật đường thủy nội địa, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Chỉ đạo các lực lượng tại địa phương duy trì thường xuyên công tác tuần tra và xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường do địa phương quản lý, đặc biệt là các tuyến đường liên huyện, liên xã, đường giao thông nông thôn. Thường xuyên duy tu, duy trì đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, rà soát và xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông trên địa bàn theo quản lý phân cấp; không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng giao thông.

Đối với các quận, huyện có đường sắt cần tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường sắt giải tỏa và duy trì tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt; thường xuyên rà soát đảm bảo an toàn giao thông tại các lối đi tự mở, đường ngang dân sinh trên địa bàn quản lý, không để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Đã uống rượu, bia thì không nên tham gia giao thông. Ảnh: Đ.L

Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội cũng đề nghị các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo, đài Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30-12-2019, của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời, tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị gương mẫu chấp hành thực hiện; tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn giao thông.

Đ.L

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-vi-pham-giao-thong-104053.html