Xử lý kịp thời những ca bệnh phức tạp

Khu cách ly tập trung Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (QPAN), Trường Đại học Hồng Đức do Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm về công tác tiếp nhận công dân cách ly y tế hiện có 237 công dân. Tại đây, cán bộ, nhân viên y tế của khung cách ly đã xử lý, cấp cứu kịp thời những trường hợp ốm đau đột xuất...

 Đo thân nhiệt cho công dân trong khu cách ly tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh thuộc Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: THANH HẢI

Đo thân nhiệt cho công dân trong khu cách ly tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh thuộc Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: THANH HẢI

Gần hai tháng nay, gần 45 cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa làm nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục QPAN thuộc Trường Đại học Hồng Đức. Bà con cách ly tại đây được bố trí nơi ăn, ngủ đầy đủ, gọn gàng, sạch sẽ và đội ngũ y tế thường xuyên túc trực, thăm khám sức khỏe hằng ngày. Công tác phòng dịch và phun khử khuẩn được thực hiện theo đúng quy trình. Mọi điều kiện sinh hoạt của người dân được bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn và chế độ Nhà nước quy định.

Trung tá Đỗ Xuân Lâm, Khung trưởng khung cách ly phòng dịch tại Trung tâm Giáo dục QPAN, Trường Đại học Hồng Đức cho biết: “Số công dân đông, thành phần đa dạng, tâm lý các công dân khi mới về cơ sở cách ly còn hoang mang, lo lắng. Bằng trách nhiệm và tình cảm của mình, cán bộ, chiến sĩ và các y sĩ, bác sĩ phục vụ trong khu cách ly không quản ngày đêm đón tiếp, phục vụ tận tình, chu đáo, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từng công dân để có phương án xử lý phù hợp”.

Tại khu cách ly, có những trường hợp bà con ốm đau đột xuất, chỉ huy khu cách ly đã có những cách xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân. Vào ngày 30-3, cháu Hoàng Nguyễn Hải Đăng (SN 2018) con trai của chị Nguyễn Phước Thị Kim ở xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đang cách ly thì sốt cao, ho. Chỉ huy khu cách ly đã chuyển cháu đến khu vực riêng, đồng thời lực lượng y tế tại đây tiến hành hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Sau khi hội chẩn, cháu Hải Đăng được chẩn đoán là bị cảm cúm. Qua hai ngày điều trị, sức khỏe cháu ổn định, kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, cháu lại được chuyển về khu cách ly. Đến nay, hai mẹ con chị Kim đã hoàn thành cách ly với sức khỏe tốt và đã trở về địa phương.

Phun khử khuẩn trong khu cách ly tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh thuộc Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: THANH HẢI

Đêm 8-4 là một đêm không ngủ với chỉ huy và lực lượng y tế tại khu cách ly. Chị Lương Thị Yêu (SN 1987, quê xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) bị đau bụng, có triệu chứng buồn nôn, mạch nhanh, huyết áp thấp, không rõ nguyên nhân. Chỉ huy khu cách ly và lực lượng y tế ngoại trừ khả năng ngộ độc thực phẩm, bởi đây là bếp ăn tập thể, nếu có hiện tượng ngộ độc thức ăn thì sẽ nhiều người cùng có triệu chứng. Thăm khám ban đầu, lực lượng y tế tại khu cách ly chẩn đoán đây là một trường hợp bệnh lý ngoại khoa và liên hệ hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Các bác sĩ chẩn đoán chị Yêu mang thai ngoài tử cung, có dấu hiệu nguy hiểm. Theo quy định cách ly, những trường hợp bệnh lý ngoại khoa mới được chuyển đi điều trị còn nội khoa phải điều trị tại chỗ. Ngay trong đêm, chỉ huy khung cách ly đã chuyển chị Yêu đến Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa và mổ cấp cứu thành công. Nếu chỉ huy, nhân viên khu cách ly không nắm bắt và chẩn đoán chính xác ban đầu tình trạng bệnh, tính mạng của chị Yêu sẽ gặp nguy hiểm.

Trước đó, khung cách ly đã có sự kết nối với các bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn, như Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi... để đề phòng những trường hợp công dân có đau ốm đột xuất, cũng như có dấu hiệu nhiễm Covid-19 để có sự hợp tác chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên chỉ huy, nhân viên y tế tại đây hiệp đồng xử lý tình huống nhịp nhàng, bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân.

Một ngày bình thường tại khu cách ly đã bận rộn nhưng những ngày tiếp nhận công dân thì công việc có thể xuyên đêm. Ngày thường, lực lượng quân y phối hợp với lực lượng của Sở Y tế tỉnh giám sát ra vào khu vực cách ly, chăm sóc sức khỏe cho công dân, tiêu độc khử trùng, xử lý rác thải, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu kiểm mẫu thức ăn... Nếu có đợt tiếp nhận công dân thì công việc sẽ không có giờ giấc, có khi xuyên đêm. Tại khu cách ly Trường Đại học Hồng Đức đã có 14 đợt tiếp nhận, có đợt số lượng công dân lên đến hàng trăm người. Dù số lượng công dân từng đợt ít hay nhiều thì công việc của cán bộ, nhân viên y tế tại đây vẫn tuân thủ nghiêm ngặt trình tự cách ly y tế.

Thiếu tá QNCN Lê Đình Cương, phụ trách y tế tại khu cách ly tâm sự: “Phương châm của chúng tôi là phải đặt sự an toàn về sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết. Dù khó khăn, vất vả cũng cố gắng hết sức để mọi người an toàn, yên tâm, hài lòng khi ở tại khu cách ly”.

HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/xu-ly-kip-thoi-nhung-ca-benh-phuc-tap-616342