Xử lý kịp thời, công trình vi phạm giảm

Tại Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg (ngày 22-6-2018, có hiệu lực từ 10-8-2018), Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thời gian thực hiện 2 năm. Từ đó đến nay, kết quả cho thấy các công trình vi phạm đã giảm khi được xử lý kịp thời. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng về hiệu quả hoạt động của mô hình thí điểm này.

Xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 58 - 60 Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm).

- Xin ông đánh giá về hiệu quả hoạt động của mô hình thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã sau gần 2 năm triển khai?

- Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 8-8-2018, các đội thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội đã được bàn giao về UBND cấp huyện. Sau gần 2 năm thí điểm mô hình này, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, các công trình xây dựng được kiểm tra thường xuyên, vi phạm được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận dần được hạn chế. Số công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng giảm dần. Việc thực hiện mô hình thí điểm đã tạo sự thống nhất, tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND cấp quận, huyện trong quản lý trật tự xây dựng đô thị và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

- Ông có thể nói rõ hơn về sự chuyển biến này?

- So với giai đoạn trước khi thí điểm, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép tăng từ 97,77% lên 98,77%; tỷ lệ công trình vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm từ 5,76% xuống 4,3%. Việc tổ chức mô hình thí điểm cùng với triển khai Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND, ngày 18-3-2019, của UBND thành phố ban hành quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã tăng hiệu quả phối hợp giữa đơn vị kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm (đội quản lý trật tự xây dựng đô thị) với cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý vi phạm (UBND xã, phường, quận, huyện), hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.

- Thực tế công tác quản lý trật tự xây dựng hiện nay còn bất cập gì không, thưa ông?

- Hiện nay, thẩm quyền của đội quản lý trật tự xây dựng đô thị là lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất UBND xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã biện pháp xử lý, dẫn đến có vụ việc xử lý vi phạm còn chậm. Mặc dù đã có quy định cụ thể, song lãnh đạo một số phường, xã, quận, huyện chưa thực sự đề cao trách nhiệm, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn vi phạm. Ngoài ra, tại các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, chất lượng cấp phép xây dựng chưa cao, một số nơi còn thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý xây dựng...

- Mới đây, UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho phép Hà Nội tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình đội quản lý trật tự xây dựng đô thị như hiện nay thêm 3 năm nữa. Ông có thể cho biết lý do thành phố đưa ra đề xuất trên?

- Lý do chính là thời gian thí điểm ngắn, kết quả sơ kết 18 tháng thí điểm rất tích cực nhưng chưa đủ thời gian để xem xét, đánh giá toàn diện về sự phù hợp của mô hình thí điểm; đặc biệt liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị và hiệu quả quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trong tình hình mới.

Hiện, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Xây dựng năm 2014 đang được sửa đổi, thời gian thực hiện thí điểm sắp hết (ngày 10-8-2020), do đó để tiếp tục ổn định về tổ chức bộ máy và có thời gian đánh giá toàn diện về hiệu quả hoạt động của mô hình này thì việc tiếp tục thí điểm là cần thiết.

UBND thành phố cũng đã giao các cơ quan chuyên môn tổ chức sơ kết 18 tháng thực hiện mô hình thí điểm để đánh giá kết quả và xin ý kiến của các bộ, ngành trung ương, các sở, ngành thành phố về mô hình tổ chức lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị. Theo đó, các ý kiến đều nhất trí đề nghị thành phố sớm báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện mô hình thí điểm.

- Theo ông, cần có các giải pháp gì nhằm khắc phục hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố?

- Để đạt được yêu cầu này, quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của UBND quận, huyện, thị xã. Theo đó, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, gắn với công tác phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính. Thực tiễn quản lý cho thấy, nơi nào người đứng đầu địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì công tác quản lý trật tự xây dựng tại nơi đó đạt hiệu quả cao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/973515/xu-ly-kip-thoi-cong-trinh-vi-pham-giam