Xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán trong dự án BT

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục quản lý Công sản (Bộ Tài chính) khẳng định, thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư dự án BT (xây dựng – chuyển giao) phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị tài sản thanh toán áp dụng theo giá thị trường.

Hình ảnh tại buổi họp báo. (Ảnh:M.P)

Chiều ngày 5/10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức buổi họp báo chuyên đề về xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

Hình thức kêu gọi vốn BT đã tạo cơ hội để cho nhiều công trình giao thông, nhiều dự án được mọc lên. Và ở Việt Nam, loại hình BT phổ biến hiện nay là đổi đất lấy hạ tầng, các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và địa phương thay vì trả tiền thì trả cho nhà đầu tư một diện tích đất. Trong thực tế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).

Ngày 28/3 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục quản lý Công sản, cho biết về quy tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo. Danh mục các văn bản quy định chi tiết về sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ký ban hành 16 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng.

Đối với Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, ngay trong quá trình xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã có dự thảo. Sau khi Thủ tướng có Quyết định số 1357/QĐ-TTg về danh mục phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản chi tiết, chưa đến 1 tháng Bộ Tài chính đã có tờ trình dự thảo về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

"Có thể nói Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rất khẩn trương trong việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị định. Dự thảo này cũng được Thủ tướng, Phó Thủ tướng quan tâm cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến bằng văn bản các thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ cũng đã cho ý kiến", ông Thịnh cho biết.

Hiện, Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT đang ở những bước hoàn thiện cuối cùng và dự kiến sẽ sớm được ban hành.

Đặt trong bối cảnh quỹ đất ngày càng ít, nhiều nhà đầu tư vẫn muốn tham gia đầu tư công trình kết cấu hạ tầng mà không có nhu cầu hay lợi thế, kinh nghiệm trong khai thác quỹ đất, vậy thì hướng thanh toán sẽ ra sao?

Ông Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh, khi sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán dự án BT phải tuân thủ quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 44 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định. Cụ thể, quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Đối tượng, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tân Thịnh cũng khẳng định: Giá trị quyền sử dụng đất được sử dụng để thanh toán dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất./.

Minh Phương

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/xu-ly-khoang-trong-phap-ly-trong-viec-su-dung-tai-san-cong-de-thanh-toan-trong-du-an-bt-500370.html