Xử lý khoảng trống pháp lý khi dùng tài sản công thanh toán cho dự án BT

Chiều 5-10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (xây dựng-chuyển giao).

Thông tin tại cuộc họp, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội ban hành năm 2017, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018, có quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Về nguyên tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo. Tuy nhiên, đến nay, dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT vẫn đang trong quá trình triển khai. Ngày 28-3-2018, Bộ Tài chính cũng đã có công văn hướng dẫn “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT có hiệu lực thi hành”.

Về tiến độ xây dựng Nghị định, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, ngày 24-9-2018, Bộ Tài chính đã có Công văn số 11590/BTC-QLCS báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý khoảng trống pháp lý kể từ ngày 1-1-2018 với nguyên tắc bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; thanh toán cho các dự án BT đang triển khai theo đúng quy định của pháp luật về thanh toán dự án BT từng thời kỳ.

Trả lời báo chí về nguyên nhân chậm trễ ban hành Nghị định này, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, sau khi Thủ tướng có Quyết định 1357/QĐ-TTg ngày 13-9-2017 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rất khẩn trương trong việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, "Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định này rất khó vì liên quan nhiều quy định khác nhau về đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát. Chính phủ rất thận trọng trong việc hoàn thiện trước khi ban hành", ông Thịnh nhấn mạnh.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/xu-ly-khoang-trong-phap-ly-khi-dung-tai-san-cong-thanh-toan-cho-du-an-bt-551265