Xử lý hình sự vi phạm an toàn nông sản

Thời gian qua diễn ra 2 vụ xét xử liên quan đến nông sản và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở TPHCM, đó là việc tổ chức sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả và sử dụng hóa chất độc hại để ngâm hàng tấn rau quả. Những vấn đề mà dư luận xã hội bức xúc do liên quan đến quyền lợi và sức khỏe mọi người.

Sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để có sản phẩm an toàn. Ảnh: Thanh Hải

Sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để có sản phẩm an toàn. Ảnh: Thanh Hải

Sản xuất thuốc giả - bị phạt 2 năm tù giam

Ngày 21-10, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm các đối tượng làm giả thuốc BVTV với số lượng lớn, phân phối đi nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Theo đó, ngày 17-4, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu kiểm tra kho hàng tại phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) phát hiện Nguyễn Minh Phục đang sản xuất hàng giả thuốc BVTV. Qua khám xét đã thu giữ hàng ngàn nguyên vật liệu để sản xuất thuốc BVTV giả dạng gói, bao, hộp, chai mang nhãn hiệu của nhiều hãng sản xuất thuốc BVTV. Xét thấy hành vi này nguy hiểm cho xã hội, hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Nguyễn Minh Phục nhận mức án 2 năm tù giam, phạt bổ sung bằng tiền mặt và tiêu hủy toàn bộ hàng giả thu được.

Luật sư Nguyễn Ngọc Huyền (Công ty Luật Invest Consult Group) cho biết, theo Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc BVTV có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù đến 15 năm, tùy mức độ phạm tội và hậu quả gây ra. Theo đó, cả người sản xuất và người buôn bán (các đại lý, cửa hàng kinh doanh) thuốc BVTV giả đều có thể bị xử lý hình sự. Do vậy, các đại lý phân phối, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV cần nhận thức rõ vấn đề này, không tiếp tay cho hành vi sản xuất thuốc BVTV giả để tránh những hậu quả nghiêm trọng về luật pháp cũng như để bảo vệ uy tín, thương hiệu của mình.

Về phía nông dân, khi phát hiện hàng giả, bà con cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và cộng đồng. Bà con cũng có thể liên lạc với đại lý phân phối chính thức hoặc trực tiếp với nhà sản xuất để thông báo vụ việc hàng giả. Đại lý và nhà sản xuất sau đó sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, người có trách nhiệm điều tra, xử lý vụ việc.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Croplife, khi mua thuốc BVTV, bà con nông dân chỉ mua sản phẩm của các doanh nghiệp, đại lý có uy tín, đại lý được ủy quyền với đầy đủ hóa đơn bán lẻ và giấy biên nhận bán hàng. Không nên mua hàng trôi nổi, đừng vì ham giá rẻ mà tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh bất hợp pháp, vừa mất tiền mua thuốc mà bệnh hại trên đồng ruộng vẫn không được kiểm soát, cây trồng giảm năng suất, thậm chí mất mùa, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống. Ngoài ra, thuốc BVTV giả còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con và người tiêu dùng nông sản.

Ngâm rau củ bằng hóa chất độc hại - bị phạt 18 tháng tù giam

Việc TAND quận Thủ Đức (TPHCM) vừa phạt 18 tháng tù giam đối với đối tượng sử dụng hóa chất độc hại để ngâm củ cải, cà rốt... Sự nghiêm minh của pháp luật đã cảnh tỉnh những người kinh doanh thực phẩm bất chấp thủ đoạn chỉ vì lợi nhuận.

Theo cáo trạng, ngày 13-4-2018, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TPHCM) kiểm tra cơ sở chế biến nông sản của Bùi Văn Sáng tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức, phát hiện hành vi rửa, ngâm củ cải bằng hóa chất cấm nên lập biên bản và thu giữ vật chứng. Mỗi ngày, cơ sở này cung cấp khoảng 8 tấn hàng ra thị trường tiêu thụ. Tang vật thu giữ gồm 1,6 tấn củ cải trắng và 1,5 tấn củ cải đỏ bị ngâm hóa chất. Công an thu giữ 250g bột màu trắng, qua giám định là chất sodium dithionete (Na2S2O4) và sodium Sulfate (Na2SO4). Các chất này thuộc danh mục không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm của Bộ Y tế vì có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, tổn thương mao mạch. Sử dụng thường xuyên thực phẩm dạng này, lượng hóa chất tích tụ trong cơ thể sẽ dẫn đến ung thư.

Việc sử dụng hóa chất độc hại không dừng lại ở đây, ngành chức năng TPHCM và các tỉnh, thành khác cũng từng phát hiện nhiều vụ sử dụng phẩm màu công nghiệp ngâm rau muống bào và bắp chuối bào. Theo BS Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật - An toàn thực phẩm Việt Nam), loại phẩm màu công nghiệp dùng trong ngành nhuộm này có tác dụng làm rau muống giòn dai, nhìn bắt mắt nhờ giữ được màu xanh tươi, thay vì bị xám đen khi để lâu ngày, nhưng làm cho thực phẩm tồn dư hàm lượng kẽm, đồng rất lớn. Kim loại đồng nếu tồn dư gây ngộ độc cấp tính, kim loại kẽm tồn dư gây chết người. Dạ dày, gan và các cơ quan khác trong cơ thể sẽ bị phá hủy do các loại hóa chất “ăn mòn” dần.

Có thể nói, việc cơ quan chức năng chuyển qua xử lý hình sự là tín hiệu tích cực, bởi thời gian qua có những vụ vi phạm ATVSTP kéo dài nhưng không xử lý hình sự được người vi phạm mà chỉ phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, khi xử lý hình sự đúng người, đúng tội những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về ATVSTP sẽ có tính răn đe tốt hơn. Có thể nói, đây là những “án điểm” cho các vụ án khác khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương trong cả nước xử lý các trường hợp tương tự.

CÔNG PHIÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xu-ly-hinh-su-vi-pham-an-toan-nong-san-630672.html