Xử lý hiệu quả các tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội

Tiếp tục chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, ngày 8-11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nội dung liên quan đến công tác quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định), đại biểu đề nghị cho biết giải pháp trước vấn đề hiện nay là người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông mà nhiều người gọi là báo chí nhân dân, trong đó, có nhiều trang mạng xấu, độc, nhưng cũng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác dụng xấu đến đời sống xã hội.

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tin xấu, độc trên mạng xã hội là một câu chuyện mang tính toàn cầu. Không chỉ riêng Việt Nam, mà cả thế giới phải đối diện. Về hành lang pháp lý, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia đều phải có một quy định pháp luật riêng để xử lý tin sai, tin giả. Những nước gần chúng ta trong ASEAN đã ban hành một đạo luật về xử lý tin giả, người tung tin giả có thể phạt đến hàng triệu USD và phạt tù đến 10 năm. Các mạng xã hội cũng bị xử phạt mạnh tay hơn, thậm chí một số quốc gia, người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm cũng phải xử lý hình sự. Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có một quy định pháp luật để xử lý vấn đề tin giả.

Cũng theo Bộ trưởng, tin giả, tin xấu, độc chủ yếu trên các nền tảng xã hội nước ngoài, các nền tảng trong nước cơ bản quản lý tốt. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhóm làm việc chuyên trách xây dựng công cụ tự động xóa bỏ những tin xấu, độc; đồng thời kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục kỹ năng số vào trường phổ thông; rèn luyện kỹ năng ứng xử, biết phân biệt cái đúng, cái sai…

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ rõ, thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành, tin nhắn rác lại xuất hiện nhiều cùng với đó là không ít video, tin, bài phản cảm với nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa. Nghiêm trọng hơn là thông tin nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, các thị trường chứng khoán, ngân hàng có nguy cơ bị kẻ xấu tấn công và không thể có dự đoán trước. Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt, chịu thiệt hại cả vật chất, tinh thần... Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp xử lý sắp tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, chúng ta đã có cơ sở pháp lý quản lý, xử lý vi phạm hiệu quả trên không gian mạng, mặc dù hiện nay còn thiếu khoảng 6 điều khoản trên Luật An ninh mạng phải được chi tiết hóa thông qua nghị định. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang được Bộ xử lý quyết liệt, các mạng xã hội xuyên biên giới đã thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật, khi được yêu cầu gỡ những tin xấu, độc, phản cảm. Cách đây 2 ngày, Facebook cũng chính thức tuyên bố chặn những quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

Để khắc phục tình trạng tin xấu, độc, phản cảm, không phù hợp với văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra một số giải pháp đối với việc quảng cáo trên môi trường mạng. Thực hiện đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, yêu cầu gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm, các nội dung vi phạm pháp luật. Có văn bản cảnh báo các đại lý quảng cáo, doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo bị gắn trên video xấu độc trên Youtube. Cảnh báo, nhắc nhở các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong nước phải thận trọng trong việc hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới (Google Adsense, Mgid, Ad Networks….) để bán quảng cáo.

Tăng cường công tác phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng trong nước có hành vi vi phạm; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Bộ Công an để có giải pháp kinh tế, kỹ thuật xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam.

Phương Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xu-ly-hieu-qua-cac-tin-gia-xau-doc-tren-mang-xa-hoi/