Xử lý hành vi gây rối và trục lợi chính sách liên quan đến rác thải

Quá trình phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng đô thị ở thành phố Hà Nội thời gian qua nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự. Trong đó có vấn đề xử lý rác thải tác động mạnh mẽ đến an sinh, môi trường của người dân.

Từ năm 2014 đến tháng 6/2020, thành phố Hà Nội xảy ra 7 vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến các dự án xử lý rác thải, thuộc 6/18 huyện, thị xã, cụ thể: Thị xã Sơn Tây, Ba Vì: 1 vụ; Sóc Sơn: 1 vụ; Chương Mỹ: 2 vụ; Ứng Hòa: 2 vụ; Đan Phượng: 1 vụ. Những vụ việc này không chỉ gây tác động ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân tại các địa bàn với chính quyền địa phương và là cơ hội để các thế lực thù địch, đối tượng phản động lợi dụng để gây phức tạp tình hình.

Theo số liệu thống kê số lượng các đợt tập trung đông người chặn xe rác tại các cổng ra, vào các dự án khoảng 20 lần, với sự tham gia của khoảng 1.064 lượt người. Các vụ việc không chỉ dừng lại ở việc chặn xe rác, người dân còn kéo lên khu vực cổng Huyện ủy, UBND huyện, UBND xã nhằm gây sức ép giải quyết với chính quyền.

Thành phần tham gia tập trung đông người phần lớn là người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các dự án xử lý chất thải như: người dân nằm trong vùng ảnh hưởng bởi các dự án xử lý chất thải chưa di dời do không đồng ý với chính sách đền bù của các cấp chính quyền; người dân sống trong vùng ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy trình xử lý rác thải; người dân phản đối việc quy hoạch xây dựng các dự án xử lý rác thải do ảnh hưởng về môi trường của các dự án trước đây.

Từ các vụ việc phức tạp liên quan đến xử lý rác thải ở Hà Nội thời gian vừa qua có thể thấy rõ một số dạng vi phạm pháp luật phổ biến như:

Một là, không chấp nhận chủ trương, chính sách bồi thường, di dời dân cư của chính quyền; tập trung đông người chặn, ngăn cản xe rác ra vào các dự án xử lý rác thải trên địa bàn. Dạng này chủ yếu do người dân không đồng tình với các chính sách hỗ trợ người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường của dự án xử lý rác thải. Giá đền bù có sự không công bằng giữa các hộ dân, có sự so bì với chính sách được hưởng trong cùng một dự án.

Điển hình như vụ việc liên quan đến dự án liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn từ ngày 23 đến 26/10 vừa qua, một số hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù tại bãi rác Nam Sơn đã kéo ra chặn xe, không cho xe rác lưu thông đổ rác vào bãi khiến ách tắc giao thông, chậm xử lý rác thải.

Các hộ dân thôn Đông Hạ, Xuân Thịnh, Liên Xuân thuộc xã Nam Sơn và thôn 2 xã Hồng Kỳ kéo đến tập trung ngăn cản xe rác ra, vào dự án liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn ở cả hai đầu phía Nam và phía Bắc. Ngoài ra, còn có các vụ việc liên quan đến dự án xử lý chất thải rắn tại Núi Thoong, Tân Tiến, Chương Mỹ, người dân xóm Đồi Chè, xã Tân Tiến chặn, không cho xe vào đổ rác.

Hai là, kéo đông người lên trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp để ngăn cản hoạt động, gây áp lực, đưa ra các yêu cầu, đề nghị. Do ảnh hưởng từ các vụ việc phức tạp về ANTT liên quan đến các dự án xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo cho người dân tâm lý “chỉ cần tập trung đông người kéo ra ngăn cản hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp thì mới được giải quyết”.

Điển hình như tại Dự án xử lý rác thải tại xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa đã tập trung từ 50 - 200 người kéo ra khu vực bãi chôn lấp rác và trụ sở UBND xã phản đối việc Công ty rau sạch Sông Hồng chôn lấp rác thải không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường năm 2017.

Vụ việc tại Đồng Ké, ngày 6/3/2019, đoàn công tác của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội phối hợp Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Chương Mỹ và UBND xã Trần Phú tiến hành khảo sát vị trí mốc giới thì có 70 người dân thôn Đồng Ké và một số người thuộc thôn Sòng, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn (địa phận giáp ranh dự án) kéo ra cản trở, căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối, không cho đoàn công tác và xe ôtô rời khỏi khu vực.

Ba là, thành lập tổ, hội để đưa ra đề nghị phản đối dự án xử lý chất thải. Sau khi xảy ra các vụ việc phức tạp, trong khi chờ cơ quan chức năng giải quyết thì nhiều người dân đã thành lập hội, nhóm bàn bạc đưa ra chủ trương kiến nghị gây sức ép đối với chính quyền địa phương.

Cụ thể, vụ việc xảy ra tại xã Đông Lỗ năm 2017 khi UBND huyện thuê Công ty Tư vấn quy hoạch và phát triển châu Á xuống khu đất xây quy hoạch dựng nhà máy xử lý rác thải để đo đạc, xác định diện tích đất, làm hồ sơ giải phóng mặt bằng nhưng đã gặp phải sự phản đối rất gay gắt quyết liệt từ phía người dân 2 thôn Ngọc Trục và Nhân Trai.

Đặc biệt, người dân thôn Ngọc Trục, xã Đông Lỗ đã tổ chức họp dân tại Nhà văn hóa thôn (khoảng 220 lượt hộ dân tham gia) và cử ra “Tổ Môi Trường” cử một người đại diện làm Tổ trưởng. Sau khi thành lập “tổ môi trường” đã thống nhất cắt cử khoảng 10 người/ngày tập trung trước khu vực bãi chôn lấp rác để tiến hành chặn xe rác của công ty rau sạch Sông Hồng vào đổ rác gây nên ùn ứ kéo dài nhiều ngày.

Những vụ việc phức tạp liên quan đến xử lý chất thải xảy ra thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất phát từ các nguyên nhân như:

Xử lý rác thải đang là vấn đề nhức nhối tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội.

Xử lý rác thải đang là vấn đề nhức nhối tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội.

Trong những năm qua, do quá trình hội nhập quốc tế và các tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường. Nước ta đang trong đà phát triển nhanh, mạnh, tốc độ đô thị hóa cao khiến cho lượng rác thải xả ra hằng ngày tại các khu đô thị ngày càng nhiều, các khu xử lý chất thải không đáp ứng kịp nhu cầu xử lý chất thải rắn nên xảy ra nhiều tình trạng ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, hệ thống pháp luật quy định chưa thỏa đáng về các trường hợp thuộc diện thu hồi đất, giá hỗ trợ, bồi thường thấp hơn giá thị trường và có sự khác biệt giữa các vùng. Đặc biệt ở các vùng giáp ranh giữa đô thị với nông thôn, giữa các tỉnh, thành phố lân cận dẫn đến sự so sánh lợi ích giữa quần chúng ở những nơi được bồi thường ít và bồi thường nhiều.

Trong các dự án xử lý rác thải, vừa có mục đích kinh doanh của nhà đầu tư, vừa có mục đích phát triển cộng đồng, nhân dân thường cho rằng chính quyền đứng về phía nhà đầu tư, không đứng về phía nhân dân, không bảo vệ nhân dân nên ép dân phải bàn giao đất với giá bồi thường rất thấp. Đó chính là một trong số những nguyên nhân trực tiếp khiến quần chúng nhân dân tổ chức khiếu kiện, đòi quyền lợi.

Hơn nữa, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như: đất đai, chính sách an sinh xã hội; quản lý nhà nước đối với các công ty chủ thầu thu gom, xử lý chất thải còn có thiếu sót; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý điều hành kinh tế xã hội. Không quản lý chặt chẽ việc thi công dự án, khiến cho chủ thầu thi công không đúng theo thoải thuận, thu gom xử lý chất thải không đúng quy trình, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân.

Trình độ của cán bộ cơ sở trong giải quyết các vướng mắc, yêu cầu của người dân còn hạn chế, tâm lý đùn đẩy lên cơ quan cấp trên, không chủ động xử lý ngay từ cơ sở. Nhiều vụ việc chưa được quan tâm giải quyết đúng mức, gây hoang mang trong dư luận quần chúng.

Những vấn đề phức tạp trong xử lý chất thải đã tác động sâu sắc đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể:

Tranh chấp, khiếu kiện kéo dài làm suy giảm lòng tin của bộ phận quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chính quyền cơ sở. Có những trường hợp người dân bày tỏ những nguyện vọng chính đáng, hợp lý với các cơ quan chức năng, tuy nhiên chưa được quan tâm giải quyết kịp thời gây bức xúc và bất bình trong nhân dân. Đó là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng vào các hoạt động chống phá, vi phạm pháp luật.

Các vụ việc tập trung đông người ngăn cản hoạt động của các dự án xử lý rác thải trên thành phố không những ảnh hưởng đến an ninh, trật tự mà còn tác động đến nhận thức của người dân. Khi người dân có nguyện vọng, yêu cầu mà chưa được đáp ứng kịp thời sẽ kích động, tập trung đông người ngăn cản hoạt động của các dự án xử lý rác thải, tạo ra một suy nghĩ ỷ lại của quần chúng nhân dân rằng “cứ chặn xe là được giải quyết nguyện vọng”.

Bên cạnh đó, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài còn bộc lộ những sơ hở trong công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như: đất đai, xây dựng; quản lý nhà nước với các công ty, doanh nghiệp. Một vài chủ thầu thu gom, xử lý chất thải thực hiện không đúng các quy trình, quy định về thu gom, xử lý rác thải gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh.

Chính vì vậy, trong thời gian tới vấn đề xử lý chất thải vẫn là điều nhức nhối về an ninh trật tự tại Hà Nội nói riêng và các khu đô thị ở cả nước nói chung. Những biện pháp quyết liệt của các cấp chính quyền cần được đi vào thực chất và nhiệm vụ của lực lượng Công an là đảm bảo an ninh, trật tự tránh để các đối tượng lợi dụng như lời của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trong buổi tiếp xúc làm việc giải quyết tại bãi rác Nam Sơn ngày 26/10 vừa qua: “Yêu cầu Công an thành phố phân loại đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lôi kéo, kích động, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và các hành vi trục lợi cơ chế, chính sách; có biện pháp răn đe, xử lý các trường hợp vi phạm”.

Nguyễn Thịnh (Khoa An ninh xã hội, Học viện ANND)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/xu-ly-hanh-vi-gay-roi-va-truc-loi-chinh-sach-lien-quan-den-rac-thai-618968/