Xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã: Quan điểm chưa thống nhất

Thiếu quy định cụ thể về định lượng, định giá tang vật hay quan điểm xử lý còn không thống nhất đang khiến lực lượng chức năng khó xử lý các đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.

Vụ vận chuyển trái phép 2.052kg ngà voi do lực lượng Hải quan TP. Hồ Chí Minh bắt giữ trong tháng 10/2016. Ảnh: Thu Hòa.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các vụ vận chuyển trái phép ngà voi, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung điều tra xác minh, khởi tố vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa là ngà voi với số lượng lớn được cất giấu tinh vi trong hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu cảng Sài Gòn; chuyển hồ sơ, vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Cụ thể, vào cuối năm 2016, năm 2017, lực lượng Hải quan đã phát hiện 6 vụ, thu giữ tổng số 5.113,7 tấn ngà voi và 277 kg vẩy tê tê tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh gồm: 2 container chứa 594,7 kg ngà voi và 277 kg vẩy tê tê; 3 container quá cảnh chứa 537 kg ngà voi; 2 container chứa 2.052 kg ngà voi, sản phẩm được chế tác từ ngà voi; 2 container quá cảnh chứa 862,4 kg ngà voi; 2 container chứa 446,7 kg ngày voi; 2 container chứa 619,9 kg ngà voi. Cả 6 vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) ra quyết định khởi tố và chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra làm rõ.

Xét báo cáo của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công an, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vào cuộc xử lý các vụ vận chuyển trái phép ngà voi.

Riêng Bộ Công an căn cứ báo cáo của Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra các vụ án hình sự về vận chuyển trái phép ngà voi, làm rõ tổ chức đường dây, đối tượng cầm đầu chủ mưu để sớm đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Theo đó, đảm bảo thực hiện nghiêm các cam kết của Việt Nam trong thực thi các Công ước quốc tế và Hiệp định đa phương, song phương về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh nắm bắt tiến độ điều tra, xử lý vụ việc phức tạp kéo dài.

Tại buổi làm việc, Công an TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo chi tiết với đoàn công tác của Văn phòng Thường trực quá trình xử lý 11 vụ việc liên quan đến sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, ưu tiên bảo vệ, trong đó có 3 vụ đã tạm đình chỉ, 8 vụ đang trong quá trình điều tra. Trong số 6/11 vụ việc do lực lượng Hải quan khởi tố và chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra có 4 vụ đang được tiến hành điều tra làm rõ và 2 vụ tạm đình chỉ điều tra vụ án do đã hết thời hạn điều tra theo luật định nhưng chưa có căn cứ để xử lý các đối tượng liên quan.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, quan điểm xử lý của cơ quan tư pháp địa phương còn chưa có sự đồng thuận, thống nhất trong việc định lượng hàng hóa để xác định khung hình phạt trong các vụ buôn lậu. Đơn cử như Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh chỉ căn cứ vào tang vật vi phạm của lần bắt quả tang, trong khi đối tượng buôn lậu nhiều lần và không chấp nhận việc cộng dồn hàng hóa vi phạm để xử lý. Mặt khác, trong xử lý các vụ án liên quan đến sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, theo cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh, do chưa có văn bản quy định về định lượng hàng cấm loại này (bao nhiêu là lớn, rất lớn, đặc biệt lớn), cũng như không thể định giá tài sản là tang vật trong vụ án nên không có căn cứ để xem xét khởi tố về tội “Buôn lậu” hoặc tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” (căn cứ điều 153 và điều 154, Bộ luật Hình sự). Ngoài ra, đối với các vụ án, tin báo về nhóm tội danh “Buôn lậu” và “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” phải thực hiện việc Ủy thác xác minh người gửi hàng từ nước ngoài, tuy nhiên, kết quả trả lời ủy thác xác minh thường chậm trễ hoặc không có trả lời, dẫn đến khó xử lý.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh thấy rằng, các vụ việc này, có đủ căn cứ để khởi tố, xử lý về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ”. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân không chấp thuận quan điểm trên.

Cụ thể, theo điều 190 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trong quá trình giải quyết các vụ việc trên, Công an TP. Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã nhiều lần tổ chức họp liên ngành để tháo gỡ khó khăn và đã đi đến thống nhất là Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm báo cáo Liên ngành tư pháp Trung ương xin ý kiến hướng dẫn xử lý, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời.

Về phía Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sau khi nắm bắt thực tế trên, đơn vị sẽ tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để chỉ đạo cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể để áp dụng cho tất cả các địa phương thực hiện khi phát sinh các vụ việc tương tự.

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xu-ly-hanh-vi-buon-lau-van-chuyen-trai-phep-dong-vat-hoang-da-quan-diem-chua-thong-nhat.aspx