Xử lý hàng tồn đọng, giảm tải cho cảng Cát Lái

Là một trong những cảng có số lượng hàng tồn đọng lớn, nhất là phế liệu, trong thời gian qua, Cục Hải quan TPHCM và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã có nhiều giải pháp xử lý, do đó hàng tồn đã giảm rõ rệt.

Giám định phế liệu nhập khẩu qua cảng Cát Lái. Ảnh: T.H.

Giám định phế liệu nhập khẩu qua cảng Cát Lái. Ảnh: T.H.

Còn khoảng trên 1.300 container tồn trên 90 ngày

Sau thời gian nỗ lực của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng, lượng phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái đã giảm rõ rệt, hiện còn khoảng trên 1.300 container.

Theo ông Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhà nước đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện cho khách hàng nhận hàng. Cùng với đó, để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, đưa nguyên liệu vào sản xuất, đồng thời trả lại mặt bằng thông thoáng cho cảng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu nhập khẩu có vị trí tại cảng Cát Lái trước ngày 31/12/2018 được khách hàng lấy ra khỏi cảng trong thời gian từ đầu tháng 4 đến hết ngày 30/5/2019.

Sau hai tháng giảm sàn chi phí lưu bãi, lượng container phế liệu tồn đọng hiện nay còn khoảng trên 1.300 container tồn trên 90 ngày, giảm hàng ngàn container so với thời điểm vào cuối tháng 2/2019, tồn hơn 3.800 container.

Đối với hơn 1.300 container phế liệu còn tồn đọng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tiếp tục phối hợp với Cục Hải quan TPHCM đánh giá, phân loại, giám định phế liệu để xác định chất lượng phế liệu nào đủ tiêu chuẩn nhập khẩu thì tổ chức bán đấu giá, phế liệu nào không đủ tiêu chuẩn thì tiêu hủy hoặc tái xuất…

Tuy nhiên, đại diện Cục Hải quan TPHCM cho biết việc mở kiểm tra cũng khó thực hiện nhanh do việc phân loại, giám định mất rất nhiều thời gian và được thực hiện cẩn trọng, bởi quan điểm của cơ quan Hải quan là nếu rác thải buộc chủ tàu tái xuất, còn hàng phế liệu dùng tái sản xuất được sẽ cho bán đấu giá theo quy định.

Thậm chí ngay cả phương án cơ quan Hải quan có quyền yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cũng khó thực hiện. Do thực tế có rất nhiều hãng tàu nhận chở hàng nhưng không có tàu, mà họ đặt chỗ qua công ty trung gian.

Theo quy định mới đây, phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi tổ chức, cá nhân nhận hàng trên bản lược khai hàng hóa có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và còn khối lượng phế liệu nhập khẩu. Với quy định này, số lượng phế liệu nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ.

Giải phóng mặt bằng cho cảng Cát Lái

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, mặc dù lượng hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái đã giảm đáng kể, nhưng đối với số lượng phế liệu tồn, đặc biệt là phế liệu đang chờ xử lý cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mặt bằng khai thác của cảng, nhất là vào thời điểm cuối năm, lượng hàng hóa nhập khẩu thường tăng lên đáng kể.

Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, tính đến thời điểm hiện tại, tại cảng Cát Lái còn hơn 1.700 container hàng hóa tồn đọng trên 90 ngày. Trong đó, có trên 1.300 container là phế liệu, số còn lại là hàng hóa các loại. Các container hàng tồn này đã được Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp thống kê, đăng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để tìm chủ hàng theo quy định. Tuy nhiên, đến nay chưa có người liên hệ nhận hàng.

Để xứ lý số container hàng hóa nêu trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn đang thực hiện các bước xử lý theo quy định tại Thông tư 203/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó, sẽ thực hiện đăng báo tìm chủ hàng lần 2, lần 3. Sau đó xác lập quyền sở hữu đối với những container hàng tồn đọng không có người nhận; phân loại, kiểm kê, xác định trị giá bán đấu giá hàng hóa có giá trị, hoặc buộc tái xuất các container hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện phương án điều tiết phân luồng giảm ùn ứ giao thông khu vực bến cảng Cát Lái, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, hàng tồn đọng năm 2018 có khoảng trên 1.000 container hàng hóa thông thường và 2.300 container phế liệu với rất nhiều lý do. Đến nay, qua xử lý các bước, số lượng hàng tồn đã giảm đáng kể. Hiện hơn 1.700 container đã được phân loại. Để xử lý số hàng tồn đọng này, đến nay đơn vị đang chờ Tổ liên ngành để xử lý phế liệu tồn đọng.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Nghiệp, nhiều hãng tàu đề nghị gần 70 container rác tái xuất, hoặc liên hệ với đơn vị xử lý phế liệu để thực hiện việc tiêu hủy. Hiện nay, Cục Hải quan TPHCM sẽ xem xét cho phép vận chuyển số hàng tồn tại cảng Cát Lái về cảng Hiệp Phước. Việc không xử lý được hàng tồn còn ảnh hưởng đến cả hãng tàu. Về phía cơ quan Hải quan cam kết sẽ phối hợp triển khai nhanh việc xử lý hàng hóa tồn đọng, nhất là mặt hàng phế liệu. Hiện nay, đơn vị đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Tổ liên ngành xử lý mặt hàng này.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/xu-ly-hang-ton-dong-giam-tai-cho-cang-cat-lai-110263-110263.html