Xử lý dứt điểm việc buôn bán tự phát chung quanh các chợ đầu mối

Dù chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử phạt nhưng tình trạng buôn bán tự phát chung quanh các chợ đầu mối nông sản-thực phẩm lớn ở thành phố vẫn không có dấu hiệu giảm. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các thương nhân ở trong chợ.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh của một gian hàng buôn bán trái cây tại chợ đầu mối nông sản-thực phẩm Thủ Đức.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh của một gian hàng buôn bán trái cây tại chợ đầu mối nông sản-thực phẩm Thủ Đức.

Theo Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, đơn vị quản lý Chợ đầu mối nông sản-thực phẩm Bình Điền (gọi tắt là chợ Bình Điền), sau khi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, chợ Bình Điền đã hoạt động bình thường trở lại từ tháng 12/2021 và duy trì ổn định từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng thương nhân vào chợ kinh doanh trở lại đã tăng dần, đạt bình quân 80% toàn chợ; riêng thương nhân ngành hàng thủy, hải sản đạt tỷ lệ khoảng 98% so với cao điểm trước đây. Một số thương nhân vẫn còn tâm lý e ngại dịch Covid-19 nên chưa ra kinh doanh; một số thì tạm ngưng buôn bán do sức mua tại chợ chưa cao và một số ngừng hoạt động, trả lại mặt bằng. Nhìn chung thì sản lượng hàng hóa tăng dần theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường nhưng không mạnh bằng mọi năm.

Bên cạnh những nguyên nhân đã nêu trên, tình trạng buôn bán tự phát bên ngoài khu vực chợ Bình Điền cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các thương nhân ở bên trong chợ. Việc buôn bán tự phát, trái phép hàng hóa nông sản, thực phẩm trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Quản Trọng Linh (phía trước cổng chợ Bình Điền) và trong các khu dân cư chung quanh đã kéo dài nhiều năm chưa được giải tỏa triệt để. Việc buôn bán tự phát, trái phép này không phải chịu sự kiểm soát về điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, không phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trước cổng chợ… Đây là vấn đề gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của thương nhân kinh doanh trong chợ Bình Điền, gây bức xúc và là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người của thương nhân trong thời gian qua.

Tình trạng tương tự cũng đã và đang diễn ra tại chợ đầu mối nông sản-thực phẩm Hóc Môn (chợ đầu mối Hóc Môn). Cùng với sự phát triển trong khu vực chợ đầu mối Hóc Môn thì việc “ăn theo” của các điểm buôn bán ở bên ngoài chợ cũng phát triển không kém, nhất là tại các khu vực đường bao quanh chợ, khu dân cư… Tình trạng này kéo dài gần 20 năm (cùng với thời gian hoạt động của chợ) và đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các thương nhân trong chợ.

Theo Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, các điểm kinh doanh bên ngoài chợ không phải chịu bất kỳ khoản thu nào, không phải đóng thuế, rác thải thì cứ thoải mái xả ra đường (có khi đổ rác sang khu vực chợ quản lý), gây mất mỹ quan đô thị, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gây kẹt xe, mất an ninh trật tự… Từ những tháng cuối năm 2021 đến nay, hoạt động buôn bán tự phát ở các khu vực chung quanh chợ đầu mối Hóc Môn ngày càng nở rộ; có không ít điểm kinh doanh cố định, quy mô lớn…, đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của các thương nhân trong chợ. Mặc dù UBND huyện Hóc Môn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng nhiều lần ra quân lập lại trật tự nhưng mức độ giảm chưa nhiều và vẫn tái diễn vào những giờ cao điểm.

Do không cạnh tranh được với các điểm buôn bán tự phát nên một số thương nhân trong chợ đầu mối Hóc Môn đã ra bên ngoài thuê mặt bằng để kinh doanh. Những thương nhân này phản ánh rằng họ thua lỗ liên tục, mong chính quyền và các cơ quan chức năng sớm xử lý, giải quyết triệt để nạn kinh doanh tự phát để họ yên tâm đầu tư phát triển, kinh doanh trong chợ. Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn phải ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố để thu gom rác thải chung quanh chợ, lượng rác thải bên ngoài chợ (do hoạt động kinh doanh tự phát thải ra) bình quân khoảng 5 đến 6 tấn mỗi ngày, có ngày lên đến 10 tấn.

Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn Nguyễn Tiến Dũng cho biết, theo đề xuất của huyện Hóc Môn, công ty đã phải trang bị hệ thống ca-mê-ra ở một số khu vực chung quanh chợ, hệ thống loa phát thanh, văn phòng làm việc; cử lực lượng bảo vệ, bốc xếp khi có yêu cầu; bố trí xe vận chuyển tang vật; hỗ trợ một phần kinh phí mua xăng, nước uống cho lực lượng chức năng trong những lúc kiểm tra, xử phạt các điểm buôn bán tự phát. Công ty đề nghị UBND huyện Hóc Môn bố trí lực lượng chuyên ngành thực thi nhiệm vụ phù hợp với khung giờ hoạt động của chợ. Việc tổ chức thực hiện này phải được duy trì thường xuyên và tái kiểm tra, vì khi không có lực lượng chức năng thì tình trạng buôn bán tự phát lại diễn ra bình thường.

Theo Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng buôn bán tự phát dưới nhiều hình thức chung quanh nhà lồng chợ truyền thống nói chung và chợ đầu mối nói riêng rất khó quản lý và giải quyết triệt để, ảnh hưởng không tốt đến tình hình kinh doanh của các thương nhân trong chợ, chưa kể đến vấn đề gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Thời gian qua, song song với việc tập trung thực hiện các giải pháp khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã triển khai công tác tuyên truyền, tăng cường nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt việc buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ vậy, đến nay đã có sự chuyển biến bước đầu trong việc giải quyết các điểm buôn bán, chợ tự phát tại một số địa phương.

Tuy nhiên, tại khu vực chung quanh một số chợ truyền thống, nhất là các chợ đầu mối, vẫn tái diễn tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường. Chính quyền quận, huyện; phường, xã vẫn chưa thật sự quan tâm phối hợp cơ quan chức năng, chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của chợ và trật tự đô thị trên địa bàn quản lý của mình. Ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân còn thấp; việc xử lý các chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè và lòng, lề đường để buôn bán còn kéo dài và chưa kiên quyết, triệt để. Đáng lo hơn, có một số điểm chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường thường tập trung đông người, tạo ra nguy cơ cao về lây nhiễm dịch Covid-19 cũng như không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, hoạt động chợ tự phát gây ra sự cạnh tranh không công bằng, thiếu lành mạnh giữa những thương nhân đang kinh doanh trong chợ hợp pháp và những người đang buôn bán tự phát bên ngoài chợ. Để sớm trả lại môi trường kinh doanh, buôn bán lành mạnh, công bằng ở các chợ, Sở Công thương thành phố đề nghị HĐND thành phố sớm ban hành một nghị quyết chuyên đề kiên quyết giải tỏa dứt điểm, rốt ráo các điểm buôn bán tự phát trên địa bàn thành phố; đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết này…

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/xu-ly-dut-diem-viec-buon-ban-tu-phat-chung-quanh-cac-cho-dau-moi-695578/