Xử lý độ mặn nước thải bằng chế phẩm công nghệ sinh học

Ô nhiễm nguồn nước là một trong những vấn đề môi trường đáng báo động hiện nay, đặc biệt là đối với ngành chế biến thủy hải sản.

Nhóm sinh viên thực hiện công trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học bùn hoạt tính xử lý nước thải thủy sản có độ mặn cao” - Ảnh: Lê Thanh

Để góp phần giải bài toán khó này, nhóm sinh viên ngành kỹ thuật môi trường (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) gồm: Nguyễn Vũ Phong, Bùi Phú Sơn, Lâm Thành Đạt đã thực hiện công trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học bùn hoạt tính xử lý nước thải thủy sản có độ mặn cao”. Công trình vừa đạt giải ba Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018, do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Nói về ý tưởng để nghiên cứu đề tài này, Nguyễn Vũ Phong, chia sẻ: “Việt Nam đã chú trọng phát triển ngành nuôi trồng và chế biến thủy hải sản trong nhiều năm qua, do nước ta có nhiều lợi thế là bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc. Hiện tại, Việt Nam là một trong 10 nước có sản lượng xuất khẩu thủy sản cao nhất thế giới, giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 4% GDP cả nước. Tuy nhiên, nguồn nước thải với độ nhiễm mặn cao là một vấn đề đáng lo ngại cho cả ngành nuôi trồng và chế biến thủy hải sản nói riêng và môi trường nói chung”.

Vũ Phong cho biết: “Nhóm tụi em bắt đầu thực hiện nghiên cứu từ năm thứ 2 vì nhận thấy nước thải từ quá trình chế biến thủy sản nhiễm mặn rất cao, chứa nhiều chất hữu cơ, chất thải rắn, dầu… Đó là chưa kể các nhà máy ở gần biển do thiếu nước ngọt nên sử dụng nước biển sục rửa hệ thống máy móc, càng làm tăng độ mặn của nước thải”.

Cụ thể, kết quả phân tích ở phòng thí nghiệm của nhóm cho thấy các chỉ số trong nước thải đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần: chỉ số COD (nhu cầu oxy hóa học) dao động 100 - 2000 mg/L, vượt từ 1 - 20 lần so với tiêu chuẩn (80mg/L) hay đặc biệt là BOD (nhu cầu oxy hóa sinh học) dao động từ 600 - 5500 mg/L, vượt đến hàng trăm lần so với tiêu chuẩn (40 mg/L),...

Từ kết quả phân tích độ mặn của nước thải ở các nhà máy chế biến thủy sản, nhóm sinh viên này đã tiến hành phương pháp bùn hoạt tính có bổ sung chế phẩm sinh học để xử lý độ mặn của nước thải.

“Để thí nghiệm đảm bảo chính xác, nhóm đã trực tiếp lấy mẫu từ các nhà máy ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM), mỗi tuần lấy chừng 30 lít. Còn hệ thống thí nghiệm được lắp ráp ngay tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, gồm chuỗi các bể bùn hoạt tính có bổ sung chế phẩm sinh học, thiết bị phân tích các chỉ số trong nước thải và được đối chiếu liên tục với số liệu nhiễm mặn ban đầu. Đồng thời, tụi mình cũng so sánh và đánh giá hiệu suất xử lý độ mặn của hai chế phẩm sinh học”, Bùi Phú Sơn, thành viên của nhóm nói.

Theo Sơn, với số liệu thu được từ những ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã đánh giá khả năng xử lý độ mặn của chế phẩm Microbe - Lift IND tốt hơn so với chế phẩm EM - WAT 1. “Từ kết quả đánh giá này, nhóm tụi mình đã xác định được độ mặn của nước thải để chọn nồng độ chế phẩm sinh học tối ưu nhất cho quá trình xử lý nước thải”, Sơn nói thêm.

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới và cả Việt Nam về ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý nước thải, tuy nhiên đề tài trực tiếp sử dụng chế phẩm sinh học dạng lỏng thì hoàn toàn mới mẻ.

Theo Lâm Thành Đạt, cũng là một thành viên của nhóm nghiên cứu này, để công trình có được kết quả khả quan, nhóm tụi mình đã trải qua không ít khó khăn trong suốt quá trình thực hiện. “Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm phải đi xin nước thải tại các công ty trong khu công nghiệp. Sau đó, mang về phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu. Mùi nước thải thủy sản tanh hôi nên cả nhóm vừa làm, vừa kiêm luôn việc... lau dọn phòng thí nghiệm để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các bạn sinh viên khác. Biết là khó khăn nhưng các thành viên trong nhóm tụi mình ai cũng có tình yêu và đam mê với việc nghiên cứu khoa học. Miễn sao có được kết quả mang lại môi trường sống cho mọi người ngày một tốt hơn”.

Lê Thanh

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/xu-ly-do-man-nuoc-thai-bang-che-pham-cong-nghe-sinh-hoc-1028414.html