Xử lý con sâu, bảo vệ nồi canh

Chiều 10-5, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án 14 bị cáo trong vụ buôn lậu của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhật Cường, do Tổng Giám đốc Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) cầm đầu.

Theo điều tra, từ năm 2014 đến tháng 5-2019, Bùi Quang Huy đã tổ chức bộ máy tinh vi, thuê 9 đường dây vận chuyển hơn 250.000 chiếc điện thoại, máy nghe nhạc lậu... từ Hồng Công (Trung Quốc) về Việt Nam để tiêu thụ, thu lời bất chính hơn 221 tỷ đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng là lập khống hồ sơ hải quan để tuồn hàng hóa qua sân bay Nội Bài (Hà Nội), đồng thời vận chuyển lậu qua cảng Hải Phòng và qua khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh để đưa về kho ở trung tâm TP Hà Nội.

Dư luận nêu ra câu hỏi tại sao một đường dây buôn lậu lớn như vậy nhưng nhiều năm liền, các cơ quan chức năng lại không thể phát hiện? Lực lượng hải quan và chống buôn lậu, quản lý thị trường ở đâu?

Trước đây, hoạt động buôn lậu chủ yếu diễn ra ở khu vực biên giới đường bộ và đường biển, do các “đầu nậu” thuê mướn lực lượng “cửu vạn” hoặc cư dân biên giới chuyển qua đường mòn, lối mở. Nhưng gần đây, hoạt động buôn lậu ngày càng có quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi bặm trợn hơn: vận chuyển hàng lậu qua chính... cửa khẩu chính ngạch (cả đường bộ, cảng biển và đường hàng không). Hoạt động buôn lậu, nếu không có sự thiếu trách nhiệm, thậm chí tiếp tay của những cán bộ hải quan và lực lượng thực thi công vụ biến chất, chắc chắn không thể trót lọt.

Điển hình là vụ buôn lậu “khủng” xảy ra tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) do lực lượng chức năng của Bộ Công an phá vào tháng 12-2020. Đường dây buôn lậu này hoạt động có tổ chức, quy mô đặc biệt lớn, liên quan nhiều người ở khắp các tỉnh thành cả nước. Trung bình mỗi ngày, chúng vận chuyển, buôn bán hơn 200 tấn hàng hóa các loại, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Ngoài hơn 30 đối tượng bị cơ quan điều tra bắt giữ, Tổng cục Hải quan phải yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với 6 cán bộ hải quan ở Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh.

Hay, đầu tháng 3-2021, Tổng cục Hải quan cũng phải yêu cầu tạm đình chỉ chức vụ đối với Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) sau khi Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam cán bộ này do liên quan đến hành vi nhận tiền hối lộ của một số nghi can trong đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả quy mô lớn do Phan Thanh Hữu cầm đầu.

Những ví dụ trên cho thấy, nếu không có sự tiếp tay của cán bộ hải quan, những đối tượng buôn lậu khó thể tuồn hàng lậu qua chính cửa khẩu xuất nhập hàng hóa - một việc mà lâu nay tưởng chừng rất khó thực hiện. Dường như sự lơ là, tắc trách, thậm chí tiếp tay của những “con sâu làm rầu nồi canh” đã lý giải cho tình trạng hàng lậu, hàng trốn thuế vẫn tồn tại, không thể xử lý được triệt để ở nước ta.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí hồi tháng 1-2021, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), thừa nhận, hiện nay, tình trạng buôn lậu đang giảm rõ rệt ở khu vực đường mòn lối mở, nhưng có nguy cơ gia tăng ở khu vực “chính ngạch”. Các vụ việc xảy ra đầu năm 2021 sẽ được xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan; những trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần phải đề nghị xử lý hình sự.

Thực tế cho thấy, giải pháp quan trọng nhất để chống hàng lậu là phải thực thi nghiêm đạo đức công vụ, làm trong sạch bộ máy, ngăn chặn sai phạm, tiêu cực ngay trong chính lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Bên cạnh việc xử lý nghiêm những đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, phải chế tài mạnh với những cán bộ, công chức tiếp tay cho buôn lậu, vi phạm pháp luật. Không thể tiếp tục tồn tại tình trạng có những cán bộ hải quan vi phạm pháp luật, đồng hành với buôn lậu!

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xu-ly-con-sau-bao-ve-noi-canh-731032.html