Xử lý chất thải y tế lâu dài, bền vững

Rác thải được phân loại ngay từ các khoa, phòng, buồng bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Rác thải được phân loại ngay từ các khoa, phòng, buồng bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị y tế tuyến đầu với 1.300 giường bệnh. Lượng nước thải y tế mỗi ngày lên tới 352m3/ngày, rác thải rắn y tế nguy hại là 152,7kg/ngày. Rác thải y tế của đơn vị được cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phân loại từ buồng bệnh, từng khoa..., sau đó được đưa về nhà bảo ôn rác. 2 ngày/lần, Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại môi trường xanh ở Hải Dương (đơn vị ký hợp đồng với Bệnh viện) cho xe chuyên dụng đến thu gom rác thải rắn y tế đưa đi xử lý. Bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế riêng và thực hiện xử lý theo đúng quy trình. Không chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các đơn vị y tế trên địa bàn đều chú trọng công tác xử lý chất thải y tế.

Được biết, ngành Y tế tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm quy định pháp luật về thu gom, phân loại, xử lý chất thải y tế. Các đơn vị đều phân công một lãnh đạo và 1 khoa, phòng hoặc cán bộ chuyên trách công tác quản lý môi trường y tế. Đội ngũ này được đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường, quản lý chất thải y tế. Các đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phân loại rác thải đến từng cán bộ, công nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chung tay trong phân loại rác thải y tế.

Chất thải rắn y tế nguy hại được chuyển tập trung về nhà kho lưu giữ chất thải y tế nguy hại của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Được biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 đơn vị thuộc Sở quản lý, gồm các đơn vị tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện đa chức năng, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, đơn vị dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện và một số đơn vị y tế khác. Trên địa bàn tỉnh còn có 1 bệnh viện tuyến trung ương, 1 bệnh viện dân lập và một số phòng khám đa khoa; 177 trạm y tế tuyến xã. Nước thải y tế từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 2.103m3/ngày đêm; chất thải rắn y tế nguy hại khoảng 1.662kg/ngày.

Để đảm bảo cho công tác xử lý chất thải y tế, tỉnh đã đầu tư đồng bộ cho 27 đơn vị y tế (bệnh viện, trung tâm y tế các địa phương) hệ thống xử lý nước thải y tế. Các cơ sở đều tách biệt hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn với nước thải y tế. Nước thải y tế từ các khoa, phòng được dẫn về hệ thống xử lý nước thải y tế của đơn vị và được xử lý trước khi hòa vào hệ thống thu gom chung trên địa bàn. Hệ thống xử lý khí thải từ các phòng xét nghiệm được thực hiện bằng phương pháp hấp thụ, đảm bảo khí thải được xử lý theo đúng quy định.

Về xử lý chất thải rắn nguy hại, trước đây toàn ngành được tỉnh đầu tư 18 lò đốt rác thải y tế với công nghệ hiện đại; Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí được đầu tư 1 lò đốt rác thải y tế. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, một số hệ thống lò đốt đã hư hỏng, hết khấu hao; một số lò vẫn hoạt động tốt, tuy nhiên các bệnh viện, trung tâm y tế có vị trí gần khu dân cư nên việc đốt rác thải y tế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Khu xử lý chất thải Khe Giang (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí), nơi sẽ xây dựng lò đốt chất thải y tế lây nhiễm sử dụng công nghệ đốt chưng cất khí khô của Nhật Bản. Ảnh: Việt Hoa

Bởi vậy, các bệnh viện, trung tâm y tế chuyển hình thức xử lý bằng cách ký cam kết với Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại môi trường xanh và Công ty CP Công nghệ An Sinh (2 đơn vị đều được cấp phép xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật) đến thu gom rác thải y tế đưa đi xử lý. Trước khi được vận chuyển đi, rác thải y tế độc hại được lưu cữu tại kho lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các đơn vị. Hiện trên địa bàn tỉnh còn duy nhất hệ thống lò đốt của Trung tâm Y tế huyện Cô Tô hoạt động do đặc điểm là huyện đảo, điều kiện vận chuyển khó khăn.

Thời gian qua, Sở Y tế đã triển khai dự án “Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện” do Bộ Y tế thực hiện, qua đó đầu tư 2 hệ thống xử lý chất thải y tế rắn bằng phương pháp hấp sóng, hiện hoạt động tốt. Trước đây, các cơ sở y tế đều phát sinh một lượng lớn nước rửa phim XQ có chứa chất độc hại; tuy nhiên nhờ chuyển sang dùng XQ kỹ thuật số, lượng nước rửa độc hại này đã giảm nhiều.

Để đảm bảo cho xử lý chất thải y tế lâu dài, bền vững, ngày 24/2/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 578/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh năm 2020. Theo đó, mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của các đơn vị y tế trên địa bàn được áp dụng theo 4 cụm là: Khu xử lý chất thải rắn Khe Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên và Trung tâm Y tế huyện Hải Hà với công nghệ lò đốt chưng cất khí khô tiên tiến của Nhật Bản và công nghệ vi sóng ở áp suất thường tích hợp nghiền, cắt.

Công tác xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện khá tốt. Kết quả quan trắc môi trường định kỳ tại các cơ sở y tế đều cho thấy, tại thời điểm quan trắc, các thông số về môi trường (nước, không khí) cơ bản đảm bảo theo quy chuẩn cho phép.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/xu-ly-chat-thai-y-te-lau-dai-ben-vung-2490031/