Xử lý chất thải của các nhà máy phân bón hóa chất: Cách nào để tiêu thụ được thạch cao nhân tạo?

Cuối tuần qua, Báo Xây dựng đã có buổi đối thoại với các vị khách mời đến từ các Bộ ngành và DN xung quanh câu chuyện xử lý chất thải gyps của các nhà máy hóa chất phân bón, từ đó tìm ra giải pháp cốt lõi cho vấn đề đặt ra hiện nay.

Từ trái qua phái ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương; Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD và ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thạch cao Đình Vũ tại buổi đối thoại.

Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng: Gắn trách nhiệm xử lý chất thải với các đơn vị xả thải

Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/4/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD, Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 phê duyệt đề án xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng, đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và dùng trong các công trình xây dựng, dự kiến cuối năm 2018 ban hành.

Tính đến 30/6/2018, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 14 tiêu chuẩn, và 1 quy chuẩn giúp các sản phẩm tro, xỉ, thạch cao đảm bảo các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ đủ điều kiện làm nguyên liệu hoặc phụ gia sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng, đang xây dựng bổ sung và hoàn thiện thêm 07 tiêu chuẩn, nhiệm vụ về xây dựng tiêu chuẩn, 12 nhiệm vụ về xây dựng, hướng dẫn và sử dụng VLXD và 04 định mức về sử dụng các loại tro xỉ, thạch cao vào sản xuất VLXD. Dự kiến cuối năm 2018 hoặc tháng 6/2019 sẽ hoàn thiện tất cả các tiêu chuẩn liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Theo các cơ chế, chính sách mà Chính phủ đã ban hành, trách nhiệm xử lý chất thải là của các đơn vị xả thải. Do đó, việc xử lý chất thải gyps phải có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các nhà máy hóa chất phân bón. Tuy nhiên, đối với các DN xử lý chất thải, cần tiếp tục nghiên cứu để ổn định công nghệ, tạo ra sản phẩm ổn định, để chất lượng xi măng ổn định, khâu quản trị DN phải tính làm sao cuối cùng giá sản phẩm thạch cao nhân tạo phải rẻ hơn nhiều so với thạch cao nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương: Tăng thuế nhập khẩu đối với thạch cao

Sản phẩm thạch cao nhân tạo của Cty CP Thạch cao Đình Vũ đã thâm nhập vào được một số đơn vị sản xuất xi măng, đã có hơn chục nhà máy sử dụng thường xuyên, cho thấy sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu của các nhà máy xi măng.

Xuất phát từ đề xuất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Công Thương đã giao cho Cục Hóa chất xây dựng phương án xin ý kiến các đơn vị trong Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác để có chính sách hỗ trợ cho việc đẩy nhanh việc xử lý bã thải gyps trở thành phụ phẩm sản xuất VLXD có giá trị kinh tế. Theo đó, thứ nhất, thuế nhập khẩu với thạch cao tự nhiên cần cân nhắc điều chỉnh tăng, bởi nếu chúng ta xem việc xử lý bã thải gyps là cần thiết thì chúng ta cần có cơ chế rõ ràng, cần hạn chế nhập khẩu để tăng lượng sử dụng thạch cao nhân tạo trong nước. Việc làm này vừa giải quyết vấn đề môi trường lại vừa tạo công ăn việc làm, thu về cho ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, đặc điểm của bã thải gyps là nặng, tốn nhiều chi phí cho khâu vận chuyển. Vì vậy, cần có cơ chế tốt của Nhà nước hỗ trợ cho các DN khi vận chuyển từ bãi thải đi đến các khu vực san lấp, làm đường giao thông, khi đó không cần phải phá đá, phá núi để làm đường mà lại có vật liệu phục vụ xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào vấn đề khoảng cách giữa bãi thải đến nơi sử dụng. Đây cũng là lý do đẩy giá thành xử lý gyps sử dụng cho các mục đích khác.

Thứ ba, rõ ràng chúng ta cần có cơ chế vĩ mô hiệu quả hơn, bởi vì chúng ta cũng biết xử lý chất thải gyps là vấn đề về bảo vệ môi trường và rất nhiều vấn đề khác nữa. Các Cty sản xuất phân bón hóa chất phải thực hiện quyết liệt hơn nữa việc xử lý chất thải gyps theo Quyết định 1696 và Quyết định 425. Một khi mà các DN sản xuất phân bón hóa chất có lãi thì phải tính đến câu chuyện cần có chi phí để xử lý chất thải.

Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thạch cao Đình Vũ: Đã có 15 nhà máy xi măng dùng thạch cao nhân tạo thường xuyên

DN đã triển khai dự án trong nhiều năm với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước, đến quý I/2017 đã hoàn thành đồng bộ công nghệ để sản xuất thạch cao nhân tạo từ việc xử lý bã thải gyps của nhà máy DAP số 1 tại KCN Đình Vũ, TP Hải Phòng. Những tấn sản phẩm đầu tiên ra đời năm 2017 đã được đưa vào sản xuất xi măng tại các nhà máy ở Việt Nam. Hiện, nhà máy Thạch cao Đình Vũ có công suất thiết kế là 600.000 tấn thạch cao dạng viên/năm từ việc xử lý 750.000 tấn bã thải gyps/năm của DAP số 1.

Sản phẩm thạch cao nhân tạo (thạch cao photpho) của Thạch cao Đình Vũ không chỉ đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11833:2017 - Thạch cao photpho dùng để sản xuất xi măng, sản phẩm đã được hợp chuẩn, hợp quy và quan trọng hơn cả là đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước cũng như các nước trên thế giới. Đây là sản phẩm có thể dùng thay thế phần lớn thạch cao tự nhiên, các DN đang dùng thạch cao tự nhiên nhập khẩu từ nước ngoài có thể có nguồn thay thế thạch cao tự nhiên ổn định, lâu dài.

Các nhà máy sản xuất xi măng đầu tiên sử dụng sản phẩm thạch cao nhân tạo của chúng tôi phải kể đến các nhà máy xi măng hàng đầu của Việt Nam như Xi măng Nghi Sơn ở Thanh Hóa, và các nhà máy xi măng khác như Xi măng Sông Thao; Xi măng Cẩm Phả; Xi măng Thăng Long; Xi măng Bút Sơn; Xi măng Long Sơn; Xi măng Bắc Giang; Xi măng Hạ Long; Xi măng Tân Quang, Xi măng Trung Hải; Tập đoàn xi măng The VISSAI (VISSAI Sông Lam; VISSAI Ninh Bình; VISSAI Hà Nam).

Hiện, chúng tôi đang cung cấp cho khoảng 15 nhà máy xi măng dùng thường xuyên và khoảng 20 nhà máy xi măng làm thí nghiệm trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng vẫn còn thấp so với năng lực xử lý, cung cấp của Cty.

Thanh Nga

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/xu-ly-chat-thai-cua-cac-nha-may-phan-bon-hoa-chat-cach-nao-de-tieu-thu-duoc-thach-cao-nhan-tao.html